Trên địa bàn thành phố hiện có rất nhiều nhà trọ đáp ứng nhu cầu của người lao động, sinh viên. Tuy nhiên, hầu hết những khu nhà này đều được xây bằng các vật liệu dễ cháy. Diện tích mỗi phòng khá hẹp, có nhiều thiết bị tiêu thụ điện cùng nhiều vật dụng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Điều đáng nói, cả chủ nhà trọ và người thuê đều khá lơ là, chủ quan đối với công tác phòng chống cháy nổ.
Rất dễ thấy ở các phòng trọ thường chỉ có diện tích hơn 15m2 nhưng tập trung nhiều đồ dùng, vật liệu bén lửa. Chưa kể, hệ thống điện phần lớn được đấu nối rất tạm bợ. Các dây dẫn, bảng điện, thiết bị lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, có nguy cơ chập cháy bất kỳ lúc nào.
Rồi nữa là bếp gas dùng để nấu ăn, đặc biệt loại bếp gas mini với các bình gas được tái sử dụng nhiều lần. Đây là một trong những mối lo ngại lớn nhất, bởi từ xưa đến nay, các bình gas cũ không đảm bảo an toàn là “thủ phạm” chính trong các vụ hỏa hoạn. Ngoài ra, tại nhiều cơ sở cho thuê nhà trọ, tầng dưới kinh doanh đồ ăn và đặt nhiều bếp than tổ ong. Để tiết kiệm tối đa diện tích, chủ nhà còn tận dụng cả cầu thang khiến lối đi lại rất nhỏ và tối, không có lối thoát nạn.
Cộng với đó, chỗ để xe máy không có nên nhiều người phải dựng xe san sát nhau, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, chỉ cần một xe bị sự cố như rò rỉ xăng, không may bắt vào nguồn lửa, hậu họa sẽ không thể lường hết. Nguy hiểm hơn, một số hộ lập bàn thờ, thắp hương trong khi những nơi này hầu như không hề có bất cứ phương tiện PCCC nào. Nếu không may mà “bà hỏa” viếng thăm thì việc tháo chạy cũng khó khăn chứ chưa nói đến sơ tán đồ đạc.
Vụ cháy ở xóm trọ tại Liễu Giai, Hà Nội. Ảnh minh họa
Qua trao đổi, hầu như người thuê trọ chỉ quan tâm khu nhà gần nơi làm việc, tiện cho sinh hoạt, phù hợp với kinh tế chứ chẳng bao giờ nghĩ tới an toàn về cháy nổ. Hơn nữa, cả chủ nhà trọ và người thuê đều không quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, mang hình thức đối phó với cơ quan chức năng.
Một chủ nhà trọ tại quận Dương Kinh cho hay: “Phòng trọ chủ yếu phục vụ lao động nhập cư, giá thành rẻ. Nếu đầu tư thiết bị PCCC thì giá thuê sẽ cao, ảnh hưởng đến cả hai phía”. Chính vì thế, những khu vực này luôn là nơi có nguy cơ cháy nổ rất cao và an toàn phòng chống cháy nổ thường xuyên bị bỏ ngỏ.
Bài học nhãn tiền: Từ sự cố chập điện không được xử lý kịp thời, khu nhà trọ trên đường Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội vào ngày 17-9-2018 đã cháy dữ dội khiến 2 người thiệt mạng, 19 căn nhà và nhiều tài sản bị thiêu rụi hoàn toàn. Hậu quả nặng nề này tiếp tục là sự cảnh báo gay gắt với công tác phòng chống cháy nổ tại các khu nhà trọ quanh khu vực tập trung đông người.
Có một điều rất lạ, đó là khi được hỏi nếu có cháy xảy ra, chủ nhà trọ và các cư dân thuê trọ sẽ phải làm những gì? Gần như tất cả những người được hỏi đều lắc đầu, hoặc trả lời sai. Điều này thực sự là mối lo lớn. Được biết, tại một số khu nhà trọ trên địa bàn thành phố đã từng xảy ra cháy. Rất may các vụ việc được cứu chữa kịp thời.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – CATP, điều quan trọng nhất hiện nay là phải thay đổi nhận thức của người dân. Các chủ hộ theo quy định của pháp luật là người chịu trách nhiệm chính ở hộ gia đình và cơ sở kinh doanh của mình trong lĩnh vực PCCC. Và vì vậy, họ phải thực hiện nghiêm Luật PCCC.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phải xác định rõ chức trách trong quản lý hộ kinh doanh, cho thuê nhà trọ trên địa bàn; phải phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cho người dân.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng đề nghị các cấp quản lý nhà nước ở địa phương siết chặt hơn nữa việc quy định các nhà trọ đảm bảo điều kiện về PCCC. Về phía các ngành quản lý về xây dựng, cần sớm thống nhất đưa ra các quy định, quy chuẩn về loại hình nhà ở này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng vẫn đảm bảo về an toàn PCCC. Cần nhận thức rõ ràng, quản lý chặt, xử lý vi phạm trước hết chính là để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; không để tình trạng cháy nhà mới lo… dập lửa.
MINH PHƯƠNG