Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, trong năm 2019 có 3 nội dung chính phải thực hiện là: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định liên quan sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.
Sở đợi bộ hướng dẫn, bộ chờ sở gửi đề án!
Bộ Nội vụ cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đủ chuẩn chậm nhất phải hoàn thành trong quý I/2020.
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp, mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, mới đây, dẫn chuyện Hà Nội từ năm 1976 đến nay đã qua 3 lần chia tách, sáp nhập, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội – cho biết việc hợp nhất đem lại tiềm năng phát triển to lớn cho TP, đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, tách thì dễ nhưng sáp nhập rất khó, sau sáp nhập bao giờ cũng có dư dôi cán bộ nên việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư rất quan trọng.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội Ảnh: MINH CHIẾN
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể việc chọn cán bộ đứng đầu. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, cho rằng cần sáp nhập huyện, xã theo nguyện vọng của địa phương trên cơ sở rà soát lại từng địa phương. Huyện, xã nào cần sáp nhập thì mới làm chứ không làm đồng bộ để tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến chính trị, xã hội của các địa phương.
Đại diện Sở Nội vụ TP Hải Phòng nói các văn bản của trung ương ban hành rất chậm nên địa phương rất lúng túng trong triển khai thực hiện. Theo đó, ngày 12-3 mới ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, đến ngày 8-4 Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Nội vụ phải khẩn trương trình Chính phủ về kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại các địa phương trước ngày 15-4. Theo dự kiến, Bộ Nội vụ phải ban hành văn bản hướng dẫn mẫu hồ sơ đề áp sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trước ngày 15-4 nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được do đến ngày 13-4 vẫn chưa nhận được đề án sáp nhập huyện, xã của bất kỳ địa phương nào để thẩm định.
“Việc lớn, phức tạp”
Chia sẻ với những băn khoăn của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn lưu ý các địa phương trong quá trình sáp nhập nếu không cẩn thận sẽ mang tính cơ học. Do đó, cần bám sát nguyên tắc sáp nhập phải bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đội ngũ dôi dư có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế; trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn có thể dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác.
Tỉnh Nghệ An hiện có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 480 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó chỉ có 3 đơn vị hành chính cấp huyện đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích quy mô và dân số là huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương và Yên Thành. Có 18 đơn vị hành chính cấp xã gồm 15 xã, 3 thị trấn chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, do đó theo kế hoạch trong năm nay sẽ tiến hành sát nhập 18 thị xã, thị trấn.
Tỉnh Thanh Hóa có 66 xã, thị trấn thuộc 26 huyện, thị xã, TP chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số phải sáp nhập. Trong đó, các huyện có số lượng xã phải sáp nhập nhiều nhất là Thọ Xuân với 12 đơn vị, Hoằng Hóa có 9 xã, Hà Trung 7 xã… Theo kế hoạch, Thanh Hóa sẽ xây dựng đề án chi tiết nhập, điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã hoàn thành trước ngày 15-5.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết việc sáp nhập là nhiệm vụ quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân các đơn vị, vì vậy, đây là việc lớn, khó, phức tạp.
Cần công tâm
Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đánh giá việc tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, huyện hiện nay là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, khi sáp nhập, có khi nhiều xã thành một xã; hai huyện thành một huyện và sẽ dôi dư cán bộ, việc này liên quan đến con người. Do đó, ông Hòa đề nghị mỗi địa phương, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh, phải từng bước nghiên cứu, lựa chọn, bố trí con người đúng phẩm chất, năng lực và được tín nhiệm cao với một tinh thần khách quan, vô tư, công tâm. Tùy vào tình hình mỗi địa phương, có thể tổ chức thi tuyển cả với chức danh lãnh đạo lẫn cán bộ công chức, viên chức.
Nhóm Phóng viên
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More