Ngày 23/4, tại Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng“.
Hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, góp phần đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, kêu gọi đầu tư vào ngành dịch vụ logistics Hải Phòng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ khẳng định với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc.
Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang-Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Trong 5 năm qua, kinh tế Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao bình quân đạt 13,64% gấp 2,5 lần tốc độ trung của cả nước. Năm 2020, trước tác động lớn của dịch COVID-19 nhưng thành phố đã thành công trong phòng chống dịch.
Hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ. Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động, đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và quốc tế…
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế Hải Phòng, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) đã nêu thực trạng và những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp logistics nói chung và của Hải Phòng nói riêng; đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics.
Ông Đào Trọng Khoa nhận định, nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics tại thành phố Hải Phòng còn thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ. Trên địa bàn thành phố cần tận dụng sự đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong việc đào tạo chuyên ngành logistics, quản trị chuỗi cung ứng.
Một số diễn giả, doanh nghiệp cho rằng, do quy hoạch của cảng biển và các cơ sở logistics như bến bãi, nhà kho chưa được đồng bộ; hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh“, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.
Tiếp đó, nhiều khi giá thu được từ các hãng tàu của nước ngoài hoặc các dịch vụ cạnh tranh có giá thấp nên cũng làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khai thác cảng cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Hơn nữa, các đường kết nối với cảng như: đường bộ, đường sắt, đường thủy vẫn còn điểm “tắc nghẽn“, chưa đạt đồng bộ với xu thế phát triển cảng tới đây.
Chủ tịch VCCI, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đánh giá, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong việc đầu tư đa dạng hóa, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và xem đây là một cơ hội rất lớn. Với vị trí địa kinh tế chính trị Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm trung chuyển của quốc tế và khu vực.
Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 được thực hiện bởi Chính phủ cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường. Do đó, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là yêu cầu tất yếu.
“Hải Phòng phát triển không phải vì Hải Phòng mà vì cả khu vực của cả nước. Cần chung tay để mở ra cơ hội vươn tới nâng cao năng lực và thế giới sẽ đổ về đây, để chúng ta sẽ có chiếc bánh to hơn, mỗi người sẽ có một phần lớn hơn. Việc thành lập Hiệp hội logistics Hải Phòng trên cơ sở Hiệp hội logistics Việt Nam và VCCI sẵn sàng hợp tác chung tay với cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực quan trọng này“, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.
Đoàn Minh Huệ/TTXVN
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More