Tại Hải Phòng việc liên kết dạy kỹ năng sống cho học sinh trong các trường học đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, tại mỗi cơ sở, trường học thực hiện cách thức khác nhau nên hiệu quả chưa cao.
Chưa yên tâm về chất lượng
Dạy kỹ năng sống (KNS) cho học sinh được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Tại Hải Phòng, việc triển khai dạy KNS cho học sinh trong các trường học ở cả 3 cấp học được thực hiện từ nhiều năm nay theo mô hình liêt kết với các Trung tâm dạy KNS. Do đó, hàng loạt các Trung tâm dạy KNS “nở rộ” trên địa bàn thành phố trong thời gian qua khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng về chất lượng các trung tâm này.
Chị Nguyễn Thu Hiền, ở phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) băn khoăn: Tôi có con học tại Trường tiểu học Chu Văn An. Mỗi tuần cháu có thêm một tiết học KNS tại trường. Dù mong muốn trang bị thêm KNS cho con ngoài kiến thức văn hóa, nhưng tôi chưa rõ các giáo viên dạy KNS từ các trung tâm đạt chất lượng chuyên môn, giáo trình đào tạo có bảo đảm yêu cầu.
Đồng quan điểm trên, chị Bùi Thị Loan có con học tại Trường tiểu học Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) cho biết: Giữa tháng 10 năm ngoái, khi thời tiết lạnh, nhà trường lại mời các Trung tâm dạy KNS về tổ chức dạy các cháu kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước là không hợp lý. Các kỹ năng khác như tự vệ, phòng chống xâm hại thân thể được tổ chức học tập trung với học sinh toàn trường, nhưng chi phí tới 100.000 đồng/học sinh/môn chỉ trong 1 hay 2 buổi học. Việc dạy KNS cho các cháu là cần thiết, song việc tổ chức học như vậy chưa thể đạt kết quả tốt.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), KNS là môn học mở, trên tinh thần tự nguyện, thống nhất giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Môn học này cũng không có giáo trình chính thức, mà các trung tâm dựa trên 12 kỹ năng cần có của trẻ theo quy định của Bộ GDĐT để xây dựng giáo trình dạy riêng. Do đó, việc triển khai dạy KNS tại Hải Phòng có tình trạng xôi đỗ, chưa bài bản ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, quận Đồ Sơn. Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Bảo Phạm Ngọc Quỳnh chia sẻ: Tại huyện Vĩnh Bảo, việc tăng cường dạy KNS cho học sinh tại trường mới triển khai tại 20/30 trường cấp tiểu học. Ban giám hiệu một số trường chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môn học dẫn đến có nơi, có lúc tổ chức chưa bài bản, hiệu quả. Trong khi đó, một số Trung tâm dạy KNS có lực lượng giáo viên mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy KNS tại các trường.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Được biết, từ giáo trình giảng dạy, đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đều được Sở GD-ĐT thẩm định trước khi cấp phép và có thời hạn 1 năm. Sau thời gian trên, nếu cơ sở không bảo đảm điều kiệu hoạt động sẽ bị đình chỉ. Sở cũng yêu cầu các cơ sở này báo cáo hoạt động 3 lần/năm để giám sát và quản lý. Mỗi tháng, Sở GD-ĐT đều cập nhật, công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này trên cổng thông tin điện tử của ngành, bảo đảm tính công khai, minh bạch tới người dân. Đối với việc liên kết đào tạo dạy KNS trong trường học, Sở mới cấp phép liên kết đào tạo cho 7 trung tâm. Sở GD-ĐT cũng ghi nhận hiện có hàng chục Trung tâm dạy KNS ngoài giờ hành chính chưa được cấp phép như Trung tâm kỹ năng sống trải nghiệm nhà Mạc (huyện Kiến Thụy), Trung tâm sinh trắc vân tay 24h (quận Lê Chân)… Để hạn chế những tiêu cực phát sinh trong hoạt động liên kết, Sở GD-ĐT yêu cầu các Phòng GD-ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nhà trường chỉ liên kết đào tạo dạy KNS với các trung tâm được cấp phép, bảo đảm chất lượng giảng dạy. Việc liên kết với các trung tâm phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Liên kết giảng dạy trên tinh thần tự nguyện, xếp thời khóa biểu phù hợp, không ảnh hưởng đến các tiết học chính khóa; không lợi dụng giáo viên trong trường ký liên kết đào tạo với trung tâm để thu tiền của cha mẹ học sinh.
Thực tế, giáo dục KNS là nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục các cấp, nhằm xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Tuy nhiên, việc dạy KNS phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, yêu cầu thực tế. Để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vụ 3 trẻ nhỏ trong độ tuổi mầm non bị bỏng nặng khi học phòng cháy chữa cháy xảy ra tại Hà Nam vào tháng 9 vừa qua, việc thanh, kiểm tra về điều kiện tổ chức dạy học cũng như các chương trình giảng dạy của các cơ sở, trung tâm dạy KNS là rất cần thiết. Mô hình liên kết giáo dục với các Trung tâm dạy KNS có những ưu điểm nếu làm đồng bộ và được quản lý chặt chẽ. Do đó, ngành GD-ĐT nên có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, để mô hình liên kết này được tổ chức bài bản, đạt kết quả tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trên địa bàn thành phố có 24 cơ sở, trung tâm dạy kỹ năng cho trẻ hoạt động ngoài giờ hành chính trên các lĩnh vực như: Dạy các KNS, kỹ năng tự vệ, phòng chống xâm hại, dạy Toán tư duy… 7 Trung tâm được cấp phép liên kết đào tạo với các trường học gồm: Trung tâm KNS Tâm Việt, Trung tâm KNS Ánh Dương, Trung tâm KNS Phương Mai, Trung tâm phát triển kỹ năng Smile, Trung tâm tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Hương Vân, Trung tâm phát triển kỹ năng nguồn nhân lực Helio, Trung tâm phát triển giáo dục quốc tế GAIA.
Bài và ảnh: Tuệ Minh