Liên hoan diễn xướng chầu văn Hải Phòng mở rộng năm 2018 vừa diễn ra khá thành công tại Nhà hát thành phố, thu hút 21 thanh đồng và 5 ban cung văn ở 8 tỉnh, thành phố về tham dự. Với 40 giá hầu, liên hoan không chỉ tạo “sân chơi” nghệ thuật cho các thanh đồng, còn góp phần định hướng hoạt động “lên đồng” đang diễn ra tại các cửa đền, phủ hiện nay và giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh độc đáo của dân tộc.
Nghệ nhân thanh đồng Đào Thị Hương trong giá hầu “Cô Bé Bắc Lệ”.Ảnh: VŨ DŨNG
Sân khấu hóa văn hóa tâm linh
Từng được tổ chức 6 lần trước đó, gần nhất là năm 2015, nhưng đây là lần đầu, Liên hoan diễn xướng chầu văn Hải Phòng mở rộng được tổ chức trang trọng tại Nhà hát thành phố, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cả du khách nước ngoài. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố, Phó trưởng Ban tổ chức liên hoan cho biết, kết quả này có được ngoài sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ của Ban tổ chức, còn có sự phối hợp chặt chẽ các phòng chức năng của Sở Văn hóa-Thể thao và sự hưởng ứng của các nghệ nhân, thanh đồng, cung văn Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố bạn, cũng như những đóng góp, tài trợ quý báu về vật chất, tinh thần của một số cá nhân, đơn vị. Qua đó cho thấy tinh thần đoàn kết, sự hưởng ứng tích cực của người dân trong công cuộc bảo tồn, quảng bá loại hình nghệ thuật diễn xướng chầu văn.
Liên hoan có sự tham gia của 21 thanh đồng và 5 ban cung văn đến từ 8 tỉnh, thành phố với 42 giá hầu các vị thánh mẫu, chúa bà, quan lớn, chầu bà, quan hoàng, tiên cô, thánh cậu, thuộc nhiều dân tộc anh em của nước Việt. Cách thức trình diễn của các thanh đồng mang đến cho người xem những cảm xúc và trải nghiệm thú vị. Người xem bị lôi cuốn bởi âm nhạc dân gian độc đáo, lời ca trau chuốt của các bản văn, trang phục lộng lẫy của các giá hầu và các điệu múa, minh họa thuần thục của các thanh đồng, chưa kể đến các động tác có tính chuyên nghiệp, uyển chuyển của các hầu dâng phục vụ trong các giá hầu.
Theo dõi các giá hầu đêm khai mạc liên hoan, bà Đặng Thị Thúy, 68 tuổi, ở số nhà 171 phố Hàng Kênh (quận Lê Chân) cho rằng, đây là cơ hội để người xem hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về văn hóa tâm linh hầu đồng. Hơn hết, giúp người trẻ hiểu vì sao tục thờ Mẫu của người Việt là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; nghệ thuật diễn xướng chầu văn-thành tố cấu thành của nghi thức thờ thánh (những người có công với dân, với nước) là nghệ thuật dân gian độc đáo, không phải hình thức mê tín dị đoan. Từ đó có trách nhiệm chung tay giữ gìn, quảng bá trong cộng đồng xã hội và quốc tế.
Định hướng sự đúng mực trong nghi thức hầu đồng
Bên cạnh mục đích sân khấu hóa để tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật diễn xướng chầu văn, Liên hoan diễn xướng chầu văn Hải Phòng mở rộng năm nay còn hướng tới sự mẫu mực khi thực hiện nghi thức hầu đồng của các thanh đồng, đồng thầy trên sân khấu văn hóa tâm linh và ở các cửa đền, cửa phủ, tránh tình trạng cường điệu, lai căng, biến tướng, làm sai lệch giá trị cốt lõi của văn hóa hầu đồng.
Là một trong 5 thành viên Hội đồng nghệ thuật của liên hoan, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Chính cho biết, trong 42 giá hầu của 21 thanh đồng, có một số giá được đánh giá cao. Tiêu biểu như hai giá hầu “Chầu bà Đệ Nhị” và “Cô Bé Thượng Ngàn” của NSND Lan Hương đẹp về vũ đạo, chuẩn mực về nghệ thuật trình diễn. Hay như giá hầu “Quan Hoàng Mười” và “Cô Đôi Thượng Ngàn” của nghệ nhân thanh đồng Nguyễn Thị Thu Trang, giá hầu “Cô Bé Bắc Lệ” và “Quan Hoàng Mười” của nghệ nhân đồng thầy Nguyễn Thị Thuần kết hợp được nét đẹp chuẩn mực trong trình diễn nghệ thuật hầu bóng của cha ông truyền lại. Cái đẹp ấy được thể hiện ở sự diễn xướng nhập tâm, tái hiện vẻ đẹp cũng như phong thái của các vị tiên thánh, nhân thánh qua vũ đạo, ánh mắt, nụ cười một cách chân phương, giản dị.
Theo NNƯT Nguyễn Văn Chính, qua cách thức trình diễn chuẩn mực trên sân khấu của các nghệ sĩ, thanh đồng này chính là cách giáo dục, định hướng tốt nhất cho không ít thanh đồng đang lạm dụng tín ngưỡng, mượn “bóng thánh” để truyền phán mang tính chất mê tín dị đoan hoặc có những hành động phản cảm đi ngược truyền thống như nhảy nhót loạn xạ, cường điệu vũ đạo, sử dụng đạo cụ không phù hợp, cậy “có tiền, có của” mà “đồng đua, đồng đú”. Bên cạnh đó, “văn theo đồng”, qua các giá hầu, người nghe thấy được sự chuẩn mực trong lời hát của các cung văn, tránh tình trạng nhân cách hóa một cách tùy tiện khi ca ngợi tiên thánh, nhân thánh này nhưng lời hát lại về thánh khác hoặc lai căng lời bài hát giữa cũ và mới, giữa người Việt với người Lào, người Hoa… “Thông qua nghi thức hầu đồng, người nghe, người xem cảm nhận được công trạng của các tiên thánh, nhân thánh. Đó là một cách giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, không ít cung văn, thanh đồng vì thiếu hiểu biết, lời hát, vũ đạo tái hiện không đúng nhân vật, thời điểm lịch sử nhân vật xuất hiện, khiến người xem, người nghe hiểu sai lệch về nghi thức hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ”- ông Chính đánh giá.
Diễn xướng chầu văn là loại hình lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ. Đây là một trong những hoạt động thực hành “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016, với những tiêu chí nổi bật, như: di sản phải được coi là một phương thức quan trọng, thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần kết cấu cộng đồng và phải đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.
ĐÔNG HẢI – Báo Hải Phòng 02/10/2018
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More