Print Chủ Nhật, 19/05/2019 11:35

Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam. Trên con đường đó, hàng triệu lượt người lính hành quân, chiến đấu, hàng vạn anh hùng liệt sĩ hy sinh để cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất như hôm nay.

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn lịch sử (19/5/1959 – 19/5/2019), hàng triệu người lính từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên con đường này lại xúc động bồi hồi. Họ nhớ lại những tháng năm xưa, không chỉ là những ký ức hào hùng trong chiến đấu, là những năm tháng khốc liệt của bom rơi đạn nổ cận kề giữa sự sống và cái chết, mà còn là tình đồng chí đồng đội gắn bó, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, được nhân dân giúp đỡ, cưu mang để làm nên chiến thắng. Thượng tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Hải Phòng nhớ lại: “Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường. Biên chế ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559”. Đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin (Đarkrông). Sau 8 ngày đêm vận chuyển, ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên đã tới Tà Riệp (phía bắc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5.  Cũng từ đây, công văn tài liệu, lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược được nhanh chóng chuyển vào Nam và tiếp nhận các loại công văn, thư tín, những báo cáo đặc biệt từ miền Nam chuyển ra miền Bắc.

Các CCB Trường Sơn quận Hồng Bàng gặp gỡ, cùng nhau ôn lại kỷ niệm những tháng năm chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn.

Một bước phát triển quan trọng của đường Trường Sơn khi tháng 6/1961 quân đội ta triển khai “lật cánh” sang tuyến đường vận tải Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào, phá thế độc tuyến Đông Trường Sơn. Từ đường gùi thồ, quân đội ta mở thêm được gần 200 km đường cho xe cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển vũ khí, lương thực, các nhu yếu phẩm chi viện cho chiến trường. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, sự đòi hỏi cấp thiết của chiến trường và chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn nhanh chóng phát triển thành lực lượng hùng hậu với nhiều đơn vị, binh chủng hợp thành, hiệp đồng tác chiến trên cục diện rộng lớn gồm 9 sư đoàn, 21 trung đoàn trực thuộc với quân số trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến.

Chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên con đường Trường Sơn có mặt lực lượng bộ đội của hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Hải Phòng có hơn 1 vạn người gồm nhiều lực lượng: lái xe, công binh, pháo binh, thanh niên xung phong. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh quận Hồng Bàng cho biết: “Đường Trường Sơn là một trong những chiến trường ác liệt, nhiều gian khổ và hy sinh. Đế quốc Mỹ đã trút xuống nơi đó hơn 4 triệu tấn bom đạn các loại, hơn 1 triệu lít chất độc hóa học. Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta không chỉ dũng cảm đương đầu mà còn chiến đấu, chiến thắng vẻ vang”. Điển hình như trận chiến thắng không quân Mỹ năm 1966 làm chúng thua đau sau 7 năm ta mở đường Trường Sơn. Đó là ngày 15/3/1966, tiểu đoàn 16 cao xạ 37 ly bắn máy bay Mỹ tại bản Na Hy, phía nam đèo Văng Mu (Lào), hạ 8 máy bay Mỹ. Trận đánh diễn ra từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, là trận không quân Mỹ thua đau nhất trên tuyến đường Trường Sơn đến thời điểm giữa tháng 3/1966. Sau đó hàng chục ngày, khu vực này không có bóng dáng của máy bay Mỹ đánh phá.

16 năm chiến đấu kiên cường trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến… chiến đấu anh dũng, mở đường vận tải, chi viện vũ khí trang thiết bị, lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến lớn miền Nam, lập nhiều chiến công hiển hách. Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 tập thể, 47 cá nhân được tặng danh hiệu “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng, hơn 1 vạn người con của quê hương Đất Cảng lên đường đánh Mỹ trực tiếp chiến đấu, phục vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh, trong đó có hơn 9 nghìn người trở về. Có 500 anh hùng liệt sĩ nằm lại đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, hơn 900 người cống hiến một phần xương máu trên tuyến đường Trường Sơn, là những thương binh, bệnh binh. Hơn 300 người nhiễm chất độc hóa học, mang di chứng chiến tranh đến hôm nay nhưng vẫn phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” vươn lên trong xây dựng gia đình, quê hương, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Chiến tranh đã lùi xa nhưng đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ luôn ngời sáng trong trang sử của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất tử. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi con đường huyền thoại, để lớp lớp con cháu dân tộc Việt hôm nay và mai sau có quyền tự hào về những gì cha ông đã dựng xây và bảo vệ.

16 năm kháng chiến, đường Trường Sơn đương đầu với 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ các loại máy bay của Mỹ. Mỹ trút xuống Trường Sơn 7,7 triệu quả bom với hơn 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít chất độc hóa học đi ô xin. Bộ đội công binh Trường Sơn làm nên hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang với hơn 17 nghìn km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải ô tô với 2 sư đoàn cơ động, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực chi viện cho các chiến trường. Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 17.700 tên địch, bắn rơi  tại chỗ 2455 chiếc máy bay các loại.

 

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lịch sử khắc ghi “con đường huyền thoại”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác