Cuối giờ chiều nay (8.11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo tiếp thu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chiến lược phòng chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch; huy động số lượng lớn các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
“Ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TP.HCM và các địa phương khác trong thời gian qua“, ông Long nói.
Về vấn đề vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.
Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công.
Tính đến hết ngày 7.11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Ngoài ra, nước ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3; 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên Thế giới để từng bước chủ động vaccine trong nước.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua vấn đề này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua. Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Thứ ba là việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19. Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Phạm Đông
Ngày 9 và 10/01, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (LGDVH) phối…
Sáng 13.1, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành…
Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng 6 và dài tổng cộng 384 ngày.…
Tháng 10/2024, Đội An ninh năng lượng, tài nguyên và môi trường thuộc Phòng An…
Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua…
Sáng 12-1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thành phố tổ chức hội nghị tổng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More