Đến thời điểm này, hầu hết công việc chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2018 cơ bản hoàn tất. Đông đảo người dân và du khách đang háo hức chờ đợi để được tham dự và chứng kiến lễ hội quan trọng, độc đáo này, để hướng về cội nguồn, để tự hào về thành phố Hải Phòng và cùng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến vì sự phát triển của thành phố quê hương.
Quy mô lớn và nhiều hoạt động hấp dẫn
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được quận Lê Chân khôi phục lại từ năm 2011 và duy trì hằng năm từ đó đến nay, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân. Với những ý nghĩa quan trọng đó, năm nay, Thường trực Thành ủy quyết định nâng tầm Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân lên quy mô cấp thành phố và chỉ đạo các ngành, các cấp, trọng tâm là Sở Văn hóa- Thể thao (VHTT) và quận Lê Chân cùng vào cuộc với mục tiêu tổ chức các hoạt động lễ hội, phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đậm đà bản sắc Hải Phòng, tạo điểm nhấn hưởng ứng các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố.
Theo đồng chí Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân, quận có niềm vinh dự, tự hào được mang tên Nữ tướng Lê Chân, 7 năm liền tổ chức thành công Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. Năm nay, quận chuẩn bị tổ chức lễ hội từ rất sớm với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động xã hội hóa cao với nhiều nét mới. Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, quận khởi động các hoạt động của lễ hội với các sự kiện như dạy học tích hợp chuyên đề “Trang An Biên xưa và nay”; Ngày hội phụ nữ năng động, đảm đang; Ngày hội thơ Đường Việt Nam… 3 ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 23 đến ngày 25-3) sẽ đầy ắp các hoạt động cả về phần lễ và phần hội với nhiều nét mới xứng tầm quy mô của lễ hội cấp thành phố. Trong đó, phần lễ bao gồm: lễ cáo yết; lễ dâng hương; lễ rước; lễ tạ được thực hiện theo nghi thức truyền thống. 2 đoàn rước năm nay đông hơn, quy mô hơn, với sự tham gia của hàng nghìn người trong trang phục truyền thống. Đoàn rước từ Đền Nghè đi theo các tuyến phố Lê Chân- Cầu Đất- Trần Phú- quảng trường Nhà hát thành phố- Quang Trung. Đoàn rước từ đình An Biên đi theo các tuyến phố: Cát Dài- Cát Cụt- Nguyễn Đức Cảnh- Quán hoa- Quang Trung và cùng hợp lại tại khu vực quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân để tổ chức lễ khai mạc với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo thành phố; các ngành, các địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách. Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PTTH Hải Phòng, đưa không khí lễ hội lan tỏa rộng khắp trên địa bàn thành phố và cả nước.
Dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, phần hội năm nay do quận Lê Chân chủ trì cũng được quan tâm đặc biệt, tạo nên những điểm nhấn khó quên. Theo Trưởng Phòng Văn hóa-Thể thao (VHTT) quận Lê Chân Vũ Thị Việt Hà, chợ quê vốn được coi là “thương hiệu” của quận Lê Chân năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, mới hơn và đông lực lượng tham gia hơn. Quận Lê Chân huy động sự tham gia của các trường học, các BQL chợ, các CLB thư pháp, CLB văn hóa dân gian… để chợ quê mang đậm bản sắc văn hóa miền biển Hải Phòng với nhiều món ăn dân dã; các hoạt động trò chơi; viết thư pháp; đặc biệt là tái hiện một góc chợ Hàng tại đây để người dân, du khách tham quan, thưởng thức. Ngoài ra, các hoạt động khác như giải chạy Olimpic vì sức khỏe toàn dân; biểu diễn võ dân tộc; chương trình cờ người và các trò chơi dân gian; chương trình nghệ thuật Duyên dáng Lê Chân… cũng được quan tâm tổ chức với quy mô lớn, độc đáo, mang những nét riêng của Hải Phòng.
Các đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức lễ hội như Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở VHTT, Văn phòng UBND thành phố, Sở Giao thông- Vận tải (GTVT), Công an thành phố, Cảnh sát PCCC, Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Du lịch, Y tế, Thông tin Truyền thông, Tài chính… cũng đã hoàn tất các công việc. Tất cả đã sẵn sàng chào đón một trong những lễ hội lớn nhất của Hải Phòng năm 2018.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Theo ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, lễ hội Nữ tướng Lê Chân được tổ chức có quy mô lớn ở nhiều nơi như Hà Nội ( nơi Nữ tướng có sới vật huấn luyện quân sĩ); ở Hà Nam, Đông Triều (Quảng Ninh) và nhất là ở Hải Phòng, nơi Nữ tướng có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa – thành phố Hải Phòng ngày nay. Việc quận Lê Chân khôi phục Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân theo đúng nghi thức cổ và trở thành lễ hội thường niên là rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức của Nữ tướng Lê Chân. Bởi thế, lễ hội không chỉ là của riêng quận Lê Chân, mà lễ hội lớn của thành phố Hải Phòng. Ngày 10- 3- 2016, Bộ Văn hóa- Thể thao Du lịch có quyết định công nhận Lễ hội Nữ tướng Lê Chân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Như vậy, việc tổ chức lễ hội hằng năm không chỉ khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, phát huy các nét đẹp văn hoá, nghi lễ truyền thống mà qua đó còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tri ân công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân, đồng thời tiếp tục phát huy các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng, đền Nghè, đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội du xuân của người dân địa phương. Đặc biệt, thông qua Lễ hội Nữ tướng Lê Chân sẽ tăng cường quảng bá các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến với du khách trong, ngoài thành phố. Lễ hội còn góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam. Bởi vậy, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2018 sẽ tiếp tục gây được tiếng vang lớn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, đặc biệt là tạo khí thế phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2018, thiết thực hưởng ứng, chào mừng các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước.
(Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 22/03/2018)