Print Thứ Ba, 07/02/2023 11:05 Gốc

Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ đầu xuân trải dài từ Bắc vào Nam. Đi lễ hội đầu năm vốn là nét đẹp đã tồn tại từ bao đời song nét văn hoá này dường như đang dần bị biến tướng, thương mại hoá đi kèm là những trò mê tín dị đoan…

Riêng tại thành phố Hải Phòng, đầu tiên có thể kể tới lễ hội hát Đúm diễn ra từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng của người dân các xã Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng của huyện Thủy Nguyên. Hội vật cầu Kim Sơn ở làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, từ mùng 6 tháng Giêng, 3 năm tổ chức 1 lần. Lại không thể không nhắc đến Hội Cầu ngư-rước cá sủ vàng tại làng Ngọc Tỉnh và Hội rước lợn ông Bồ ở thôn Kỳ Sơn, cùng xã Tân Trào, Kiến Thụy diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng hàng năm; Lễ hội Minh thề diễn ra tại chùa-đền Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy vào 14 tháng Giêng hàng năm); Lễ hội đền Trần Quốc Bảo tại Cụm di tích tưởng niệm tướng quân Trần Quốc Bảo tại Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên) ngày mùng 6 và ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch.

Ngoài ra trong năm còn có nhiều lễ hội khác như Lễ hội Nữ tướng Lê Chân diễn ra vào tháng 2 âm lịch, Lễ hội Hoa phượng đỏ vào tháng 5 dương lịch, lễ hội đua thuyền Hải Phòng ở đảo Cát Bà vào tháng 4,5 dương lịch, Lễ hội đánh pháo đất tại huyện Vĩnh Bảo vào ngày mùng 3 tháng 8 âm lịch, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào ngày mùng 9 tháng 8 âm lịch…

Nhìn chung, đại đa số các lễ hội trên được tổ chức một cách bài bản, thẻ hiện đúng bản chất, truyền tải được những thông điệp tốt đẹp của đất và người Hải Phòng, được nhân dân và du khách gần xa ghi nhận, khen ngợi.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là theo thời gian, việc hội nhập hóa, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường đã khiến lễ hội ở đâu đó đang dần trở nên biến tướng với các hiện tượng tiêu cực cần khắc phục.

Nhiều nơi thờ tự bỗng chốc hóa thành nơi “buôn thần bán thánh” với những dịch vụ tâm linh mà giá thì trên trời như cúng thuê, khấn thuê, coi bói, xem tử vi, tướng số, nhận sắp lễ,… Người ta không tiếc tiền khi bỏ ra cho những dịch vụ tâm linh với suy nghĩ càng bỏ ra nhiều tiền thì lòng thành càng lớn, càng được nhiều tài lộc. Chưa dừng lại ở đó, dịch vụ trông xe, ăn uống, bán đồ lưu niệm,… cũng được tăng giá không lý do, nếu ai có thắc mắc thì câu trả lời là: “Ngày lễ mà”. Cái cớ ngày lễ là được tăng giá khiến chốn linh thiêng trở thành một nơi buôn bán dịch vụ tâm linh, mất đi tính chất linh thiêng vốn có.

Với mong muốn một năm suôn sẻ, may mắn, nhiều tài lộc, không ít người còn bỏ ra số tiền lớn để tham gia vào trò “mê tín dị đoan”, đặc biệt là hoạt động cúng sao giải hạn được triển khai rầm rộ với nhiều “gói” cúng khác nhau tùy tài chính và nhu cầu của khách hàng, không chỉ gây tốn kém về tiền bạc mà còn gây mất niềm tin vào tâm linh nếu như giải hạn mà vẫn gặp vận rủi.

Lễ hội vốn dĩ là tích cực, chỉ có người thực hành lễ hội mang theo tiêu cực đến. Thời điểm này, các lễ hội mùa xuân chỉ mới bắt đầu diễn ra, rất mong các cấp chính quyền cần vào cuộc để chấn chỉnh lại những lễ hội có biểu hiện tiêu cực, giữ lại những giá trị tốt đẹp của lễ hội. Thiết nghĩ, muốn xóa bỏ tận gốc những tiêu cực thì nhận thức của người dân cần thay đổi, muốn thay đổi thì phải đẩy mạnh tuyên truyền. Vấn đề giáo dục tâm linh cũng cần được quan tâm hơn nữa, vì chỉ khi nhận thức được thay đổi thì những tiêu cực, biến tướng trong các lễ hội mới được xóa bỏ.

Lan Chinh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lễ hội mùa xuân: Cảnh báo bị biến tướng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác