Lễ hội đua thuyền ở nước ta nhiều nơi có, nhưng trên địa bàn Hải Phòng nhiều hơn cả, vì gắn với truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc.
Nhìn lại lịch sử, địa lý Hải Phòng cách đây gần hai nghìn năm, nơi đây là vùng ven biển, dân cư thưa thớt. Phần nhiều là vùng sình lầy, sông nước chằng chịt. Là cửa ngõ từ biển vào trung tâm đất nước, để chống giặc ngoại xâm phương Bắc thường xuyên dòm ngó sang cướp nước ta, cha ông ta chọn vùng đất hiểm yếu này làm nơi diễn ra các trận thủy chiến chiến lược oai hùng. Các trận đánh trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo làm máu của quân thù nhuộm đỏ dòng sông. Các triều đại phong kiến đều tuyển mộ trai trẻ thạo nghề sông nước trong vùng gia nhập quân đội, tập luyện thủy binh chuẩn bị lực lượng giữ nước lâu dài. Trong luyện tập thường có bơi lặn và bơi thuyền. Mỗi khi thắng trận, các tướng sĩ và nhân dân địa phương lại mở hội đua thuyền ăn mừng chiến thắng và khao thưởng quân sĩ. Có chuyện kể rằng, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo sai tướng quân Phạm Ngũ Lão về vùng đất Hồng Châu, trấn Hải Dương (Hải Phòng ngày nay) tuyển mộ 500 quân tập bơi thuyền, lặn giỏi. Đến khi quân Nguyên Mông sang cướp nước ta, Phạm Ngũ Lão cho quân lặn ra giữa sông đục thủng đáy thuyền giặc, quân giặc trở tay không kịp, thuyền đắm, giặc chết nhiều vô kể. Thắng trận, Phạm Ngũ Lão được nhà vua phong chức “Điện tiền đô úy đại tướng quân” và cho mở hội đua thuyền khao quân thắng trận.
Dấu ấn lịch sử đó được truyền lại qua đời này đến đời khác, trở thành truyền thống thượng võ của người dân Hải Phòng. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, các làng, xã lại tổ chức lễ hội đầu năm tại các đình, đền nơi thờ Thành hoàng làng – những vị thánh có công với dân, với nước, trong đó, hoạt động đua thuyền truyền thống được duy trì tại nhiều địa phương. Tiêu biểu như: làng Gia Lộc, thị trấn Hòa Quang (nay là khu dân cư Gia Lộc, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải); các phường: Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Bàng La (quận Đồ Sơn); các xã: Tiến Minh, Quyết Tiến, Bắc Hưng, Vinh Quang (huyện Tiên Lãng); các xã An Hòa, Quốc Tuấn (huyện An Dương) và một số địa phương thuộc huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão… Để duy trì, phát huy truyền thống, ngày nay một huyện tổ chức lễ hội đua thuyền rồng trên biển, trên sông như huyện Cát Hải mở hội vào ngày 1- 4 hằng năm kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá; quận Đồ Sơn tổ chức lễ hội đua thuyền vào ngày 1-5 ngày khai mạc du lịch “Đồ Sơn biển gọi”.
Tại nhiều địa phương, trước khi đua thuyền, các đội đua sắm lễ đến các đình, đền cầu xin Thành hoàng làng, thần linh phù hộ thắng cuộc. Có nơi như làng Gia Lộc, ngày 21 tháng Giêng trong năm, dân làng tổ chức lễ hội đua thuyền. Trước khi mở hội đua thuyền, các đội thuyền đến bốc thăm nhận cờ, áo, với đủ sắc xanh, đỏ, trắng, vàng để phân biệt các đội thắng cuộc trên đường đua. Theo kinh nghiệm lâu đời của người dân làng Gia Lộc, nếu đội cờ trắng thắng cuộc, năm đó mùa màng bội thu; nếu đội đỏ thắng cuộc, năm đó nhiều gió bão, biển động, mùa màng thất bát… Luật chơi đua thuyền do ông cha để lại như trên thuyền phải có số lượng thủy thủ bằng nhau, kích thước thuyền dài, rộng bằng nhau, mỗi thủy thủ có một bê chèo kích thước bằng nhau. Đầu thuyền và cuối thuyền phải có một người phất cờ, có người cầm trống bỏi và hò theo nhịp chèo, động viên cho thủy thủ cố gắng chèo nhanh, thường là có câu hò “Dô ta này, cố lấy nhất này, giật lấy giải này dô ta…” và những câu ca do người cầm cờ ứng tác cho phù hợp với nội dung cuộc thi năm đó.
Luật chơi và những câu hò dùng trong bơi chải (đua thuyền) từ đời này qua đời khác đã trở thành trò chơi dân gian, văn hoá dân gian đặc sắc của người dân vùng sông nước Hải Phòng. Lễ hội đua thuyền còn mang theo các giá trị văn hóa tâm linh của một số làng ở các xã: Đoàn Lập, Đại Thắng, Tiên Thanh, Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) xưa kia trời làm hạn hán, dân làng nói trên lại tổ chức hội thi đua thuyền cầu mưa. Trong dân gian Tiên Lãng có câu: “Lụt lội thì tháo cống đôi/ Nhược bằng hạn hán thì bơi đầm Bì”.
Người dân vạn chài với những cánh tay vạm vỡ trên con thuyền lướt sóng đường đua, hằng ngày vẫn ra khơi vào lộng, đánh bắt tôm cá trên những con thuyền. Những người dân vạn chài cùng với lễ hội đua thuyền ở các địa phương Hải Phòng từ xưa đến góp phần tạo nét bản sắc riêng, phù hợp tính cách của người Hải Phòng “ăn sóng nói gió”, giàu tình thương yêu và quý trọng lẫn nhau.
Ngọc Vương – Báo Hải Phòng