Sáng 5-4 (tức 1-3 âm lịch), đoạn đường ven biển Khu 1, phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) rộn ràng không khí lễ hội. Hàng nghìn người dân và du khách về đây tham dự lễ thượng cờ khai hội Cầu cơ truyền thống đền Vạn Ngang năm 2019. Lễ hội độc đáo này lần đầu được tổ chức quy mô cấp phường.
Ngôi đền thiêng nơi cửa biển
Nằm trên đầu núi Vạn Ngang (còn được gọi là Hoành Sơn), đền Vạn Ngang là di tích văn hóa tâm linh lâu đời của vùng đất cổ Đồ Sơn. Núi Vạn Ngang nằm ở trung tâm của 9 ngọn núi Đồ Sơn, là nơi hội tụ linh khí của đất trời. Đền Vạn Ngang xưa có tên là Thủy Tiên Am, được lập vào năm Thái Ninh thứ 3 triều Lý, được dựng bằng tranh, tre, vách gỗ lợp cỏ tranh thờ Chư Vị Thánh Tiên. Đây là nơi các bậc văn nho chức sắc của tổng Đồ Sơn trước đây tổ chức bình văn, giải thơ mỗi dịp đầu xuân. Đền Vạn Ngang lúc hưng thịnh từng là điểm đến của du khách khắp nơi, nhưng cũng có lúc chỉ còn là phế tích.
Tương truyền vào thế kỷ thứ 16, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thành lập hội Tao đàn Nhị thập bát tú tại đền Vạn Ngang để bình văn, giải thơ. Từ đó, hội được tổ chức thường niên tại đền. Đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7 tháng 3 năm Bính Ngọ (1606), các bậc nho sinh đang đọc thơ tại đền, mặt nước bỗng vang lên giọng nói trầm hùng. Một văn nhân khôi ngô tuấn tú, mặc sắc phục trắng xuất hiện, cùng bình văn với mọi người. Với kiến thức uyên bác, thâm sâu, khi người này bình văn, giảng thơ đến đâu, các nho sĩ vỗ tay rào rào khen hay đến đó. Đến rạng sáng hôm sau, không ai thấy vị nho sinh ấy đâu nữa. Chỉ thấy trên mâm gạo lễ của hội xuất hiện dòng chữ đề duệ hiệu của ngài là: “Hùng bàng trấn Bắc đệ tam Hoàng tử Thủy cung phả quang huệ đạt đoan túc dực bảo trung hưng đại vương”. Lúc ấy mọi người mới biết ngài là Quan Hoàng Bơ phủ hiện về.
Trong hội thơ năm ấy, có một người sau này đỗ tiến sĩ và giữ nhiều chức vụ lớn trong triều nhà Lê Trung Hưng. Đó là tiến sĩ Lưu Đình Chấtngười có tên trong Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hoằng Định năm thứ 8 thời Lê Trung Hưng (tức năm 1607). Ông là người xã Quỳ Chử, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Trong dịp đi du xuân ngắm cảnh và có mặt trong cuộc bình văn thơ tại đền Vạn Ngang năm đó, ông được Thánh hoàng phù hộ và đỗ tiến sĩ vào kỳ thi năm sau. Cảm tạ ơn đức của ngài, sau khi làm quan, ông hưng công xây dựng lại ngôi đền. Từ đó, đền còn được đặt tên là Hoành Sơn Linh Từ. Năm 1886, thực dân Pháp phá hủy ngôi đền cổ này để mở đường xây dựng nhà nghỉ thống sứ Bắc Kỳ. Sau đó nhân dân và nhà thầu xây dựng lại ngôi đền nhỏ để phụng sự thần linh. Đến năm 1974, ngôi đền nhỏ cũng bị phá hủy do chiến tranh. Các bia ký kể về thánh tích và quá trình xây dựng công đức thập phương cũng đều bị phá hủy. Đến năm 1991, đền được phục dựng lại và mở mang dần như ngày nay.
Phục dựng lễ hội đậm tính văn hóa, giáo dục
Từ ngày đền Vạn Ngang được phục dựng lại, thủ đền Lưu Toàn Thắng và người dân Đồ Sơn bỏ nhiều tâm huyết tìm kiếm 17 đạo sắc phong Quan Hoàng Bơ phủ và ngọc phả bị thất lạc đưa về thờ trong đền. Năm 2008, lễ hội Cầu cơ truyền thống của đền Vạn Ngang lần đầu được khôi phục nhờ sự giúp đỡ của các bậc cao niên ở Đồ Sơn như các cụ: Hoàng Gia Xạ, Hoàng Đình Lương, Hoàng Gia Khuyết, Hoàng Đình Ngũ… cung cấp nhiều tư liệu quý về lễ hội. Từ đó đến nay, lễ hội Cầu cơ truyền thống đền Vạn Ngang được duy trì hằng năm để tưởng nhớ ngày hiện hóa của Quan Hoàng Bơ phủ rẽ nước lên chơi, phù cho các nhân tài phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
Chủ tịch UBND phường Vạn Hương Lưu Đình Tiến cho biết, sau 10 năm phục dựng, lễ hội Cầu cơ thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Đây là lễ hội mang đậm tính văn hóa truyền thống rất độc đáo nơi cửa biển. Được sự đồng ý của UBND quận Đồ Sơn, năm 2019, lễ hội Cầu cơ đền Vạn Ngang lần đầu được tổ chức quy mô cấp phường. UBND phường ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, văn minh, lịch sự, an toàn tuyệt đối cho du khách và nhân dân về tham dự lễ hội. Đồng thời, duy trì và phát huy tính truyền thống, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong công tác tổ chức lễ hội.
Việc phục dựng lễ hội Cầu cơ truyền thống đền Vạn Ngang nhằm tôn vinh nét văn hóa truyền thống của Đồ Sơn và nâng cao trí tuệ, đề cao sự học tập, răn dạy các thế hệ mai sau. Lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu tháng 4, khi Đồ Sơn đang tất bật chuẩn bị cho mùa du lịch biển năm 2019 góp phần thu hút du khách đến với miền đất cửa biển đặc sắc di sản, truyền thống văn hóa này.
Các nghi lễ chính của lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch hằng năm. Gồm các nghi thức: Tế tuần du; Rước Thánh hoàng vào chùa Hang lễ phật thỉnh kinh; Tế cầu cơ; Tế kỳ phúc; Ban chữ; Tế tạ kỳ yên. Bên cạnh các hoạt động tế lễ, lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, đánh trống, đánh cờ, thi nấu cơm…
BẢO NAM – Báo Hải Phòng