Sáng 19/10, tại đền thờ Ca Công, Khu di tích đình, đền, chùa Đông Môn, thôn Đông Môn, xã Hòa Bình, UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức Lễ giỗ tổ nghề Ca Trù năm 2022.
Tới dự có đồng chí Phạm Văn Thép, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Huyện ủy và đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Bảo tàng Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên.
Tại buổi Lễ, các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Nhị vị Thánh sư Ca Công: Thanh xà Đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa, những người đã sáng lập ra bộ môn nghệ thuật Ca Trù, khơi nguồn vun gốc tạo nền tảng vững chắc cho con cháu đời sau học tập noi theo.
Các đại biểu đã cùng ôn lại lịch sử ra đời và phát triển nghệ thuật Ca Trù Việt Nam. Trải qua thăng trầm của lịch sử, để khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử vô giá thể hiện sự kết hợp tài tình giữa thơ ca và âm nhạc; ngày 01/10/2009, Nghệ thuật Ca Trù của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Di sản được trải dài trên 16 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng. Huyện Thủy Nguyên vinh dự có Phủ từ Đông Môn, xã Hòa Bình là một trong nhưng nơi thờ Nhị vị Thánh sư Ca Công, cũng là địa phương nuôi dưỡng và phát triển của nghệ thuật Ca trù với nhiều nghệ nhân đặc biệt tâm huyết với quyết tâm bảo tồn nguyên vẹn di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc.
Phát biểu khai Lễ, đồng chí Uông Minh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Lễ giỗ tổ nghề Ca Trù năm 2022 nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ Ca Trù bị lắng bóng, Lễ giỗ tại Phủ từ Đông Môn không chỉ là hoạt động ý nghĩa nhằm báo ơn tiền nhân mà còn phục dựng tái hiện làm sống lại phần nào không gian diễn xướng, lề lối sinh hoạt của Giáo phường Ca Trù Đông Môn xưa. Để tôn vinh xứng tầm cho vị thế, tầm vóc và những đóng góp to lớn của Nhị vị Thánh sư Ca Công, đáp ứng được sự kỳ vọng, lòng mong mỏi và nhu cầu tâm linh của Nhân dân; Lễ giỗ tổ nghề Ca Trù được nâng tầm quy mô cấp huyện, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng thành kính của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thủy Nguyên dành cho 2 vị tiền nhân có công sáng lập ra loại hình nghệ thuật Ca Trù. Qua đó, góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục cho các thế hệ ngày nay về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào đối với truyền thống văn hóa nghệ thuật của địa phương. Đây cũng là hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Thủy Nguyên quật khởi 25/10.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện mong muốn, trong thời gian tới các cấp, ngành đặc biệt là Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã Hòa Bình, Ban Quản lý di tích, Câu lạc bộ Ca trù Đông Môn tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của các di tích lịch sử, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Có kế hoạch khai thác và phát huy giá trị di tích cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tiếp tục chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ Ca trù, dành sự quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ đảm bảo 3 độ tuổi để có sự kế thừa và phát triển di sản…
Ngay sau nghi thức khai Lễ, các ca nương, kép đàn và quan viên của Câu lạc bộ Ca Trù Đông Môn Thủy Nguyên, các Câu lạc bộ Ca Trù các tỉnh thành về dự lễ và Giáo phường Ca Trù Hải Phòng đã tham gia chầu hát cửa đình với 7 thể cách.
Lễ giỗ tổ nghề Ca Trù năm 2022 được tổ chức là dịp để các nghệ nhân thể hiện lòng thành kính biết ơn đối với Tổ nghề, với các bậc tiền nhân đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật Ca Trù. Đồng thời, là dịp để các Câu lạc bộ, các Giáo phường Ca Trù hội ngộ học hỏi kinh nghiệm, động viên, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau với mong muốn nghệ thuật Ca Trù luôn phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Mai Liên