Tối 21/7, phường Cát Dài, quận Lê Chân tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố đối với di tích đền Tam Kỳ. Tới dự có các đồng chí: Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Trần Thu Hương, Bí thư Quận ủy Lê Chân; Phạm Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Lê Chân; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và các tổ chức chính trị, đoàn thể quận Lê Chân.
Di tích đền Tam Kỳ toạ lạc ngã ba sông, trong khuôn viên công viên Tam Bạc, phường Cát Dài, quận Lê Chân. Đền có lịch sử hình thành rất sớm, từ những năm 1813, ban đầu là ngôi miếu nhỏ thờ thuỷ thần được khởi dựng từ lâu đời trên gò đất cao ở ngã ba sông Tam Bạc với lạch Liêm khê thuộc địa phận làng An Dương thuộc tổng An Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Đến năm 1890 văn bia vẫn ghi là “Miếu”. Năm 1920, lập thêm đền thờ Tứ vị thánh mẫu (tứ phủ) và được văn bia ghi là “Tam Kỳ linh ứng bi ký”. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền nhiều lần bị xuống cấp nghiêm trọng và sụp đổ. Trải qua những biến động thăng trầm của dòng lịch sử, năm 2007 đền được tân tạo lại trên nền cũ với diện tích 200m² (rộng gấp đôi đền cũ) kiến trúc theo kiểu hiện đại như ngày nay.
Hiện nay đền thờ Phật bà Quan âm, thờ Quan lớn đệ Tam quan lớn Bơ Phủ, thờ Đức Thánh Trần, Tam toà Thánh Mẫu, chúa Sơn Trang, ngũ vị tôn ông, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười, thờ Thánh Cô, Thánh Cậu…, thờ anh linh các anh hùng liệt sỹ của phường Cát Dài.
Ngày 17/1/2020 đền Tam Kỳ đã được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử thành phố. Đây cũng là thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của thành phố đối với vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của đền Tam Kỳ. Đồng thời cũng là sự ghi nhận đối với những cố gắng, đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Cát Dài, quận Lê Chân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của đền.
Tại Lễ đón nhận đã công bố Quyết định của UBND thành phố về xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố đối với di tích đền Tam Kỳ.
Phát biểu tại Lễ đón nhận, đồng chí Phạm Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND quận nhấn mạnh: Di tích đền Tam Kỳ được thành phố xếp hạng di tích lịch sử thành phố cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy để nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, mà còn là nơi giáo dục văn hoá truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, đồng thời trở thành điểm đến cho du lịch văn hoá tâm linh đối với Nhân dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND quận đề nghị phường Cát Dài cần kiện toàn Ban quản lý di tích đền Tam Kỳ; chỉ đạo xây dựng quy chế, nội quy, chương trình hoạt động làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ di tích, phục vụ tín ngưỡng của Nhân dân; tuyệt đối không tổ chức kinh doanh thương mại, dịch vụ. Ban quản lý di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo đảm cho di tích luôn được quản lý văn minh để di tích không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, mà còn giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết dân tộc. Bảo tồn và phát huy di tích cần định hướng trong việc công đức của các tổ chức, cá nhân, công khai, minh bạch, từ thu để chi cho công tác bảo tồn đảm bảo đúng luật, đúng nội quy, tính chất tín ngưỡng của di tích. Bảo vệ khuôn viên cảnh quan của công viên Tam Bạc, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo không gian linh thiêng của di tích. Kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, phản cảm lợi dụng tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng văn hoá tín ngưỡng tâm linh của người Việt…
Tại Lễ đón nhận, phường Cát Dài cũng công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý di tích đền Tam Kỳ để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày một tốt hơn và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hoàng Tùng