Print Thứ Ba, 03/09/2019 09:45

Từ đầu năm 2019, nhất là khi Công an các tỉnh, thành trong cả nước tấn công mạnh tội phạm cho vay nặng lãi (CVNL) thì hoạt động “tín dụng đen” giảm hẳn. Ở TP Hồ Chí Minh, tình trạng phát tờ rơi nơi công cộng và dán trên các trụ điện, chân cầu, nhà chờ xe buýt… cũng ít hơn so với trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương, hoạt động tín dụng đen sẽ trở lại nếu không chủ động tấn công liên tục.

Quảng cáo cầm đồ bằng hộp đựng giấy.

Song song với biện pháp mạnh của ngành Công an, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện việc xử lý hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng trên địa bàn thành phố, nhất là quảng cáo rao vặt cho vay tiền, làm bẩn phố phường. Trong đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cung cấp thông tin chủ thuê bao có số điện thoại quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định để các đơn vị có cơ sở xử phạt.

Chủ trương là vậy, quyết liệt là vậy nhưng vấn đề đặt ra làm sao để xử lý kẻ dán tờ rơi lên cột điện? Nhiều lần ra đường vào rạng sáng (tầm 4-5h), chúng tôi chứng kiến nhóm 2-4 đối tượng thản nhiên dán tờ rơi lên các bức tường, trụ điện… Lân la dò hỏi, các đối tượng cho biết được những người lạ đưa cho xấp tờ rơi rồi thuê dán chứ không biết họ là ai.

Tờ mờ sáng 28-8, PV Báo CAND bắt gặp 3 thanh niên đang dán tờ rơi “cho vay trả góp” trên bức tường nằm trong một con hẻm ở đường số 8, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Một trong ba thanh niên mặt còn non choẹt vô tư cho biết: “Hồi sáng tụi con ngồi uống cà phê ở đầu đường thì có một chú đến nhờ dán tờ rơi trong các con hẻm ở đường số 8. Chú đó nói dán giúp chú sẽ cho mỗi đứa 100.000 đồng. Chú đưa trước phân nửa, bảo trưa nay chú quay lại kiểm tra, nếu dán đúng yêu cầu thì chú trả phần còn lại và nhờ dán thêm các chỗ khác. Hết tiền chơi game nên tụi con làm thôi”.

Không có trẻ nghiện game thì có trẻ bụi đời, con nghiện… chỉ cần cho ít tiền là chúng răm rắp làm theo. Thế cho nên, dù trong thời gian vừa qua các ban ngành đoàn thể ở các quận, huyện ra quân tẩy xóa tờ rơi nhưng trên các trụ điện, cây xanh, điện tín hiệu…vẫn có quảng cáo mới được dán vào, tuy không nhiều bằng lúc trước nhưng thông tin trên tờ rơi có thay đổi để gây sự chú ý hơn cho người đọc.

Ngày 29-8, quan sát một số trụ điện nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), chúng tôi phát hiện nội dung tờ rơi thay vì “cho vay trả góp lãi suất thấp” như “truyền thống” thì kẻ cho vay có số điện thoại  0931836… đổi thành “cho mượn tiền góp không thu phí”.
Các đối tượng được thuê dán tờ rơi trên tường.

Tôi gọi điện theo số điện thoại này để hỏi vay góp 10 triệu đồng thì được người nghe cho biết góp trong 1 tháng, mỗi ngày 400 ngàn đồng, tức lãi suất 20%/tháng. Tôi thắc mắc “sao tôi thấy tờ rơi ghi không thu phí?”. Người kia lớn giọng “Đấy là không thu chi phí làm thủ tục thôi ông ạ. Ông nghĩ có ai dại dột cho ông vay tiền mà không lấy lãi chứ. Vay thì bảo không thì thôi đừng làm phí thời gian của bố mày” rồi cúp máy.

Việc xử lý chủ thuê bao của số điện thoại rao vặt còn cả một vấn đề bởi hầu hết các đối tượng quảng cáo cho vay đều sử sụng sim “rác”. Tuy theo quy định hiện nay, muốn đăng ký thuê bao phải có CMND, chụp ảnh chân dung nhưng trên thực tế việc mua sim “rác” không có gì khó khăn.

Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng chạy qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp… sim “rác” bán đầy trên lề đường. Mặt khác, việc làm CMND giả chỉ cần “alo” là có cũng quảng cáo đầy trên mạng.

Qua các đường dây làm giả giấy tờ bị phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ cho thấy, chi phí làm một CMND giả giá dao động chỉ từ 100.000-200.000 đồng, đặt hàng qua zalo, facebook… là có người giao tận nơi.

Kẻ CVNL dùng CMND giả mua sim thì làm sao có thể xử lý được chủ thuê bao? Đó là chưa kể, để thu hồi 1 số thuê bao phải qua các trình tự, thủ tục tốn kém thời gian. Đến khi thu hồi được thì kẻ CVNL cũng đã thực hiện nhiều “hợp đồng” và tiếp tục dùng sim “rác” khác để… “cắt cổ” nạn nhân!

Thế cho nên, nhiều người dân bức xúc, sao những kẻ CVNL có số điện thoại rõ ràng, quảng cáo rầm rộ vậy mà cơ quan chức năng không xử lý chính là lẽ đó…

Việc phát tờ rơi nơi công cộng, trước đây kẻ CVNL thường thuê sinh viên, công nhân… thực hiện nhưng nay cũng thưa dần do người được thuê e ngại. Thế nhưng qua ghi nhận của chúng tôi, việc phát tờ rơi bây giờ còn đi vào “chiều sâu” hơn. Đó là phát đến tận quán cà phê, quán cơm bụi… thậm chí đến tận nhà để đưa cho người có nhu cầu.

Đặc biệt, các đối tượng CVNL núp bóng tiệm cầm đồ còn đầu tư hộp đựng giấy có thông tin quảng cáo rồi tặng cho các tiệm cơm, phở… để sử dụng. Cách quảng cáo này hữu hiệu hơn cả việc phát tờ rơi hay dán cột điện mà trước đó nhà chức trách còn chưa thể ngờ tới để ngăn chặn…

Qua cách thức quảng cáo này còn phản ánh thêm một thực trạng là các đối tượng CVNL đang chuyển dần sang hình thức cho vay núp bóng dưới “vỏ bọc” là các cơ sở kinh doanh như cầm đồ, cho thuê xe, công ty tài chính…

Về tiệm cầm đồ, tuy theo quy định của pháp luật hiện hành lãi suất không quá 20%/năm nhưng trên thực tế hiếm có cơ sở nào thực hiện đúng. Những nơi “nhẹ” nhất cũng 2.000-3.000 đồng/triệu đồng/ngày (tức từ 6-9%/tháng), trung bình 5.000 đồng/triệu/ngày (15%/tháng) và cao hơn thì tùy theo thỏa thuận. Người cầm đồ chẳng bao giờ ghi mức lãi vào biên nhận mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, đến khi trả thì lấy lãi riêng bên ngoài coi như không để lại “dấu tích” nào việc cầm đồ quá mức lãi suất.

Một hình thức khác khá phổ biến hiện nay, theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, đó là các đối tượng thường ngụy trang hành vi CVNL bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp chỉ cần hộ khẩu, CMND. Sau đó người vay tiền phải kí giấy bán ôtô, xe máy cho đối tượng và hợp đồng thuê lại chính tài sản của mình để trả tiền góp hàng ngày.

Với chiêu thức này, 2 đối tượng Lê Ngọc Châu (SN 1983) và Hồ Đức Khánh (SN 1982, cùng quê quán quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) mở cơ sở cho thuê xe gắn máy ở quận 10 để làm bình phong hoạt động CVNL với mức lãi suất từ 20-30%.

Châu ghi tiền lãi vào vốn vay rồi làm một hợp đồng cho thuê xe gắn máy bằng với số tiền đó. Khi nào người vay góp đủ thì thanh lý hợp đồng và Châu hủy luôn hồ sơ. Từ 89 bộ hồ sơ cho thuê xe chưa kịp tiêu hủy, cơ quan điều tra xác định Châu và Khánh thu lợi bất chính 140 triệu đồng. Trên thực tế nguồn thu bất chính còn gấp nhiều lần nhưng do hồ sơ đã bị Châu hủy nên không thể truy thêm.

Hoạt động CVNL với nhiều chiêu đối phó như vậy nên bên cạnh giải pháp mạnh của ngành Công an là tăng cường công tác phát hiện, thu thập chứng cứ, khởi tố điều tra thì rất cần sự phối hợp từ nhiều ban, ngành chức năng khác mới có thể đẩy lùi “tín dụng đen”.

Mã Hải

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lật tẩy nhiều thủ đoạn của “tín dụng đen”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác