Print Thứ Ba, 08/12/2020 18:00 Gốc

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay hiện hiệp hội chưa nhận được văn bản trả lời phía cơ quan chức năng về việc có chấp nhận kiến nghị lùi thời gian lắp camera trên xe kinh doanh vận tải?

Liên quan đến kiến nghị lùi thời hạn lắp camera trên xe kinh doanh vận tải, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay hiện hiệp hội chưa nhận được văn bản trả lời phía cơ quan chức năng về việc có chấp nhận kiến nghị lùi thời gian lắp camera trên xe kinh doanh vận tải hay không?

Đã hơn hai tháng kể từ ngày Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam gửi công văn kiến nghị lên cơ quan chức năng, các doanh nghiệp hội viên đang chờ ý kiến phản hồi để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021”, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.

Lắp đặt camera trên xe du lịch. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN).

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô và đã có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020, trước ngày 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, về chủ trương lắp camera hành trình là đúng, các hiệp hội và doanh nghiệp đều đồng tình. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện cần lùi lại để khâu chuẩn bị kỹ càng và đạt hiệu quả. Dữ liệu sẽ truyền về máy chủ là lượng thông tin khổng lồ. Hiện chưa thấy Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo địa chỉ tiếp nhận dữ liệu.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ngoài việc lùi thời gian thực hiện lắp camera cũng nên làm rõ hơn việc ghi hình camera hành khách suốt hành trình chạy xe có vi phạm quyền riêng tư hình ảnh hay không? Và cần phải thí điểm một số nơi để đánh giá trước khi thực hiện trên diện rộng.

Ở một góc độ khác về kinh tế, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chia sẻ, hiện chi phí cho việc lắp GPS (thiết bị định vị) cho mỗi phương tiện trước đây khoảng 1,5 triệu đồng/xe, chi phí truyền dữ liệu 80.000 đồng/tháng.

Các doanh nghiệp đang tiêu tốn khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để cập nhật dữ liệu của 1 triệu xe truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Khoản này bao gồm 500 tỷ khấu hao thiết bị và 1.000 tỷ trả phí truyền dẫn và lưu trữ dữ liệu.

Vì thế, theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, với mức giá của các đơn vị bán camera hiện nay, nếu lắp trên xe khách loại từ 30 chỗ trở lên cần 4 camera với chi phí 10-11 triệu đồng/xe. Nếu tính cho việc lắp đặt khoảng 300.000 xe thuộc diện phải lắp thì chi phí hơn 3.000 tỷ đồng, chưa kể phí truyền dữ liệu hàng tháng (nếu sử dụng sóng 4G doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra từ 240.000-320.000 đồng/máy/tháng).

Nhiều doanh nghiệp vận tải chia sẻ, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Trong khi đó, chi phí lắp camera khoảng 10 triệu đồng/xe, mỗi doanh nghiệp tính trung bình phải chi khoảng 1-2 tỷ đồng và toàn quốc khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị nếu có tính khả thi và thực sự cần thiết, xin lùi thời hạn cuối cùng thêm 2 năm nữa, tức là đến tháng 6/2023.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành quy chuẩn và công bố rộng rãi những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện và năng lực lắp camera cho các loại doanh nghiệp tiếp cận…

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, thành phố Hải Phòng cho rằng việc lắp đặt thiết bị camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải nên thực hiện có lộ trình, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm từ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) bởi hiện nay dữ liệu, tài nguyên từ thiết bị này còn chưa sử dụng tối ưu, việc lắp đặt thêm camera sẽ gây lãng phí lớn.

Tuy nhiên theo đại diện của Bộ Giao thông Vận tải việc thực hiện việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải được xem là giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, hạn chế tình trạng nhồi nhét khách và góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Trước đó, ngày 25/9 vừa qua, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam có Công văn số 99/HHVT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị điều chỉnh lộ trình lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ ngồi chở lên (kể cả người lái xe), xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo từ 1/7/2021 lên ngày 1/7/2023; hoặc xem xét dừng thực hiện quy định này để nghiên cứu làm rõ hơn về sự cần thiết, tính hiệu quả.

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến vấn đề này./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)
Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lắp camera trên xe kinh doanh: Vẫn đang chờ ý kiến cơ quan chức năng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác