Lão nông làm giàu từ mô hình gia trại nuôi gà thả đồi

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian qua, trên địa bàn xã Kỳ Sơn, Thủy Nguyên đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên nông dân phát huy đức tính cần cù, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Ông Hoàng Đức Tư, hội viên nông dân thôn 7 xã Kỳ Sơn, là một trong những điển hình ấy.

“Thất bại là mẹ của thành công”

Năm 2010, do tình hình sức khoẻ ngày càng giảm sút nên các công việc nặng nhọc, lao động chân tay như làm đá, làm vôi tại xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, đã không còn phù hợp với bản thân ông Tư.

Sau nhiều đêm trăn trở suy tư tìm kế mưu sinh mới, được sự tuyên truyền, khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, tổ chức Hội Nông dân các cấp, ông Tư đã quyết định bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình gia trại nuôi gà thả đồi.

Được sự nhất trí, đồng lòng của các thành viên trong gia đình, ông Tư nhanh chóng bắt tay vào xây dựng mô hình. Ở giai đoạn đầu triển khai, để tránh mạo hiểm, rủi ro lớn và để có thời gian từ từ học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, ông Tư đã mua 700 con gà về nuôi thí điểm.

Và đúng là vạn sự khởi đầu nan, sau nhiều lứa gà nuôi do thiếu kinh nghiệm trong khâu lựa chọn con giống, thức ăn đến khâu phòng, trị bệnh cho gà chưa đảm bảo nên đàn gà của gia đình ông Tư bị bệnh, chết nhiều. Số gà còn lại được xuất bán những chất lượng không đồng đều, thu nhập chẳng được là bao… Kinh tế gia đình cũng từ đó mà đi xuống.

Ông Hoàng Đức Tư chăm sóc đàn gà của gia đình.

Những không chút nản chí, sờn lòng, với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, được sự ủng hộ, động viên của gia đình, bạn bè, cấp ủy, chính quyền, Hội đoàn thể các cấp, ông Tư đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu kiến thức trên đài báo, các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi kết hợp với kinh nghiệm tự rút ra từ các lần thất bại trước kiên trì duy trì đàn gà nuôi.

Nguồn vốn gia đình bị cạn, ông Tư mạnh dạn vay vốn, tiếp tục nhập gà về nuôi. Cũng kể từ dây, song song với việc chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà, gia đình ông luôn quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường. Mô hình nuôi gà của gia đình đã áp dụng quy trình khép kín trong xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.

Nguồn chất thải của trang trại đều được đóng bao, xử lý, sử dụng vào việc chăm bón cho vườn cây ăn quả của gia đình. Một phần thì cung cấp cho bà con xung quanh có nhu cầu sử dụng để chăm bón cây trồng.

Nhờ đó, đàn gà của gia đình ông chăm sóc lớn nhanh, khoẻ mạnh, ít bệnh. Chất lượng thịt gà cũng trở nên săn chắc, thơm ngon hơn, từng bước khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm gia đình ông Tư đều cung cấp ra thị trường từ 18-22 tấn gà thịt. Sau khi trừ các loại chi phí, thức ăn chăn nuôi đi, gia đình ông Tư có thu nhập ổn định từ 250.000.000 đồng-350.000.000 đồng/năm.

Số lượng đàn quay vòng đạt từ 8-10 đàn/năm, mỗi đàn từ 1.300-1.600 con gà. Và nếu như năm 2010, diện tích chuồng nuôi gà của gia đình chỉ có 200m² thì đến nay, sau nhiều lần mở rộng đã đạt diện tích 1.200m² (gấp 6 lần so với diện tích ban đầu).

Được biết, trong năm 2022 này, gia đình ông Tư sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Minh Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Sơn chia sẻ: Mô hình gia trại của gia đình ông Tư tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 vợ chồng ông, ngoài ra còn giúp 3 người con của ông những lúc rảnh rỗi tham gia nuôi và chăm sóc gà cùng gia đình. Thu nhập đạt từ 7.000.000 đồng/người/tháng trở lên.

Từ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trước đó của gia đình, ông Tư không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả mà gia đình ông đã tích luỹ được trong quá trình chăn nuôi với bà con trong thôn, ngoài xóm. Từ đó, ông đã có đóng góp tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội địa phương tuyên truyền, vận động, khích lệ người dân tích cực triển khai các mô hình phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của xã cũng nhờ đó phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng, chiều sâu. Thu nhập tăng cao, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân không ngừng được cải thiện đã tạo nền tảng vững chắc giúp địa phương rút ngắn thời gian cán đích nông thôn mới.

Ngoài ra, dù quanh năm, suốt tháng “đầu tắt, mặt tối” với trại gà là thế nhưng ông Tư luôn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các phong trào của địa phương, của tổ chức Hội; có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đơn cử, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình ông đã tích cực ủng hộ các lực lượng chức năng tham gia thực thi nhiệm vụ tại tổ kiểm soát dịch Covid-19 và Trạm Y tế lưu động của địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần. Cùng với đó, gia đình ông luôn đi đầu trong việc ủng hộ kinh phí, ngày công lao động, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh, quỹ khuyến học và phong trào xây dựng Nông thôn mới địa phương…

Chả thế mà mấy năm nay, ông Tư luôn là tấm gương sáng trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của xã Kỳ Sơn, Thủy Nguyên nói riêng, thành phố nói chung…

Khánh Chi

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Sẽ có cơ chế trả tiền cho người phản ánh vi phạm giao thông

Theo Cục Cảnh sát giao thông, sẽ sớm có quy định hướng dẫn chi trả…

04/01/2025

Hải Phòng đánh dấu mốc tăng trưởng kinh tế 10 năm liên tiếp

Năm 2024 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của TP Hải Phòng…

04/01/2025

Giáo viên trường công ở Hải Phòng sẽ được nhận những khoản tiền nào vào dịp Tết?

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên các trường công lập tại thành phố…

04/01/2025

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025 quy định về dạy thêm, học thêm như thế nào?

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…

03/01/2025

Dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh

Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…

03/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More