Từ mồng 10 tháng Chạp trở ra, nhiều cơ quan công sở, gia đình bắt đầu mua cây cảnh trang trí Tết. 3 loại cây truyền thống được nhiều người Hải Phòng lựa chọn là đào, quất và hải đường. Làng Đồng Dụ, Dân Hạnh, xã Đặng Cương (huyện An Dương) là một trong những làng trồng nhiều đào thế đẹp nổi tiếng nên thu hút nhiều khách đến mua trưng Tết. Thời điểm này, cánh đồng lúc nào cũng nườm nượp khách. Vườn nhà anh Phạm Văn Sơn, cựu chiến binh ở thôn Dân Hạnh có khoảng 300 gốc đào thế cổ thụ nụ đơm dày đặc, dự báo đến Tết sẽ nở đẹp đúng thời điểm. Chiều ngày 7-1, 3 thợ bứng từng cây ở vườn vận chuyển cho khách. Vườn kế bên của anh Phạm Văn Ngọc cũng có 5-6 lao động hối hả đang đánh cây đưa lên ô tô chuyển đi.
Anh Nguyễn Văn Đại, thợ chuyển đào vườn nhà anh Phạm Văn Sơn cho biết: “Để vận chuyển đào đến địa chỉ của người đặt, cần 3-4 người tùy độ lớn, nặng của cây. Nếu khách ở xa, mỗi ngày chỉ chuyển được vài chuyến. Hiện tại, lao động tại vườn đào được trả 400 nghìn đồng/ngày công”. Những ngày giáp Tết, tiền công có thể tăng hơn do nhu cầu cao đột biến, việc vận chuyển cũng cần kíp ngay. Những ngày cao điểm, các cánh đồng đào, quất của xã có hàng trăm lao động thời vụ. Chưa kể sát Tết, khoảng từ 23 tháng Chạp trở ra, những vườn đào, quất, hải đường nhỏ bắt đầu bứng cây bán tại các chợ, trung tâm huyện, xã… cần thêm lượng lao động cả trăm người. Dịch vụ vận tải “ăn theo” các vườn đào làm không hết việc. Anh Phạm Văn Sơn, chủ vườn đào cho biết, những cây đào thế to đều phải chuyển bằng ô tô, mỗi chuyến ô tô chở đào tùy theo thời gian và quãng đường gần, xa được chủ vườn trả 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Người trồng đào giờ không chỉ bán, cho thuê cây, mà còn làm dịch vụ từ việc vận chuyển, trồng, hướng dẫn chăm sóc và thu cây về. “Bí” nhất là phương tiện vận chuyển, vườn nhiều cây phải hợp đồng xe ô tô riêng để chủ động, anh Sơn khẳng định.
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, sau ngày ông Táo về trời mới dọn nhà nên việc thuê người khó khăn, năm nay, chị Vũ Thị Hòa, phố Vũ Chí Thắng, phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân) thuê dọn nhà từ rằm tháng Chạp. Ngôi nhà 4 tầng chị thuê 2 người lau dọn gồm các công việc: tháo, giặt rèm, lau các loại cửa sổ, cửa chính, cửa ngăn phòng, sàn nhà, lan can cầu thang, đồ nội thất… Sau 1 ngày làm tích cực, 2 người dọn thuê mới hoàn thành công việc và được trả 800 nghìn đồng. Chị Nguyễn Thị Minh, người dọn nhà chị Hòa cho biết: “Bình thường, tôi đi thu mua phế liệu, nhưng đến cuối năm tôi rủ vài chị em đi dọn nhà thuê”. Gia đình nào dọn nhà sớm, giá dịch vụ rẻ hơn, qua ngày 20 tháng Chạp, nhu cầu dọn nhà tăng cao, chi phí dọn nhà sẽ tăng lên đáng kể. Càng giáp Tết, giá càng cao, thậm chí đến ngày 28-29 Tết, nhà có nhu cầu dọn chưa chắc đã gọi được người. Hiện nay, giá dịch vụ dọn nhà ở mức 60.000 nghìn đồng/giờ, tùy theo mức độ đơn giản hay nhiều đồ của từng nhà. Giá dọn nhà thuê trực tiếp từ người lao động không qua các công ty môi giới rẻ hơn chút ít, tuy nhiên người dọn nhà “kém chuyên nghiệp” hơn.
Dịp giáp Tết, nhiều công việc khác cần lao động bán thời gian như bán hàng Tết, phát quảng cáo, đóng gói quà, vận chuyển hàng hóa… Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), 2 tháng sát Tết, nhu cầu tuyển dụng việc làm thời vụ tăng khoảng 40% so với các thời điểm khác trong năm với 2-3 nghìn vị trí việc làm, trong đó nhiều nhất là các công việc liên quan đến dịch vụ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, phục vụ ăn uống, mua sắm… Đây cũng là cơ hội cho người lao động, sinh viên tranh thủ thời gian kiếm tiền, thêm thu nhập.
Bài và ảnh: Phương Nam/Báo Hải Phòng
Chiều 28/11, tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân, Sở Công…
Chiều 28-11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức giám…
Chiều 28/11, Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp Đài Phát thanh và…
Chiều 28-11, Trường đại học Hải Phòng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ…
Ngày 28.11, Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị…
Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, sáng 28/11, tại khách sạn Pullman, Bộ Khoa…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More