Print Thứ bảy, 26/01/2019 16:29

Tại các điạ phương ngoại thành hiện nay có thực trạng,
sau một thời gian làm việc trong các doanh nghiệp, một số lao động  trở về làng quê, đối mặt với nguy cơ khó khăn
về việc làm. Giải quyết thực trạng này không dễ dàng trong “một sớm một chiều”,
cần sự phối hợp cao giữa các cấp, ngành.

Nỗi
lo thiếu, nhỡ việc làm

Cùng với quá trình công nghiệp hóa và thu hút đầu
tư, lượng lớn lao động phổ thông của làng quê dễ dàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng
của các doanh nghiệp trong và nước ngoài. Từ lao động thuần nông, nhiều người rời
xa công việc đồng áng, trở thành công nhân trong các doanh nghiệp may mặc, điện
tử, da giày, sản xuất linh kiện điện tử…Tuy nhiên, sau thời gian làm việc 10 –
15 năm, một số lao động lại trở về địa phương. Chị Trần Thị Hưng ở xã Khởi
Nghĩa (Tiên Lãng) cho biết, sau 10 năm làm việc ở công ty da giày, nay tuổi đã
“cứng” áp lực công việc lớn, thường xuyên làm việc đến 9 giờ tối, không có nhiều
thời gian cho gia đình. Hiện nay, sức khỏe giảm sút nên chị xin nghỉ việc. Chị
Đào Thị Ngân ở xã Cổ Am (Vĩnh Bảo) làm việc 15 năm trong doanh nghiệp giày da,
thời gian gần đây năng suất lao động của chị giảm hơn trước, nên doanh nghiệp
“động viên” chị nghỉ việc. Những người lao động này trở về địa phương đều chưa
tìm được việc làm phù hợp.


Đào tạo nghề thủ công cho lao động tuổi trung niên.

Theo khảo sát chưa đầy đủ của Sở Lao động Thương
binh – Xã hội, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động Hải
Phòng và chính quyền các địa phương, hiện khu vực ngoại thành có khoảng 87
nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Đồng thời có khoảng  hơn 8 nghìn lao động ở tuổi trung niên từng
làm trong các doanh nghiệp trở về địa phương khó tìm được nghề phù hợp. Cụ thể,
ở các huyện An Lão, Tiên Lãng có khoảng 1100 – 1500  lao động dạng này trở về địa phương mong muốn
tìm việc làm. Các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Dương… số lao động tuổi
trung niên từng làm việc trong các doanh nghiệp trở về địa phương dao động từ
1300 –1600 người/huyện. Trưởng phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện Tiên
Lãng Hoàng Thị Thúy cho biết: “Nguyên nhân lao động trở về bởi chủ yếu do áp lực
công việc, hạn chế về sức khỏe nên tự bỏ việc. Bên cạnh đó, một số lao động bị
doanh nghiệp sa thải do yêu cầu công việc trong doanh nghiệp ngày càng cao, chỉ
phù hợp với những lao động trẻ, khỏe”.

Theo Trưởng Phòng Dạy nghề Sở Lao động – Thương
binh – Xã hội Hải Phòng Nguyễn Thị Ngân, những lao động làm việc trong doanh
nghiệp trở về địa phương khó tìm việc làm, vì thực tế sản xuất nông nghiệp đạt
thu nhập thấp, tìm việc làm các ngành nghề khác lại không có chuyên môn, kỹ
năng phù hợp, đặc biệt là tuổi không còn trẻ để dễ dàng chuyển đổi công việc… Để
giải quyết việc làm cho các lao động này, các địa phương còn nhiều lúng túng.
Trong khi đó, hầu hết người lao động trở về địa phương mong muốn tìm lại việc
làm phù hợp, bền vững để có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái, thu
nhập ổn định phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương.

Tập
trung đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

Ông Vũ Văn Uy, Chủ tịch UBND xã Đoàn Lập, (huyện
Tiên Lãng) nhận xét, khu vực nông thôn không thiếu việc làm, đặc biệt trong
lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng. Tuy nhiên, người
lao động sau một thời gian làm việc tại các doanh nghiệp trở về quê hương cần
được đào tạo lại kỹ năng sản xuất nông nghiệp ở trình độ cao hơn, khác với kinh
nghiệm truyền thống trước đây, để thích ứng với yêu cầu phát triển hiện nay, nhất
là nông nghiệp công nghệ cao. Trưởng Phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện
An Lão Bùi Thị Mây cho rằng, người lao động độ tuổi trung niên có thể phù hợp với
nhiều loại hình công việc, không nhất thiết là công việc đồng áng. Họ có thể
tham gia làm dịch vụ, buôn bán nhỏ, ngành nghề thủ công… Tuy nhiên, các ngành
chức năng cần có sự định hướng, chung tay đào tạo, giới thiệu việc làm phù hợp.

Giải quyết việc làm cho người lao động ở tuổi trung
niên không nên chỉ trông chờ vào cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước hay
thành phố qua các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực tế, nguồn hỗ
trợ này chỉ đáp ứng trung bình 2000 lao động/năm.  Trong khi đó, số lao động  rời các doanh nghiệp trở về địa phương  ngày càng nhiều, nhưng khâu đào tạo nghề tại
địa phương hạn chế. Giải quyết việc làm cho đối tượng này cần có sự phối hợp chặt
chẽ giữa ngành chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt,
chính quyền địa phương tích cực vận động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, hỗ
trợ người lao động.  Trường hợp, người
lao động không còn đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, họ có thể làm việc khác kiếm sống.

Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Nông nghiệp –
Thủy sản Hải Phòng Vũ Văn Quý cho biết, thực tế, khi làm việc cho các doanh
nghiệp, các lao động này được đào tạo nghề nhưng chỉ một số kỹ năng nhất định.
Khi nghỉ việc tại doanh nghiệp, người lao động khó đáp ứng yêu cầu công việc
nghề khác. Vì vậy, khâu đào tạo lại để người lao động có thể tìm được việc làm
bền vững tại địa phương phải gắn với thực tế “cầm tay chỉ việc” một số ngành
nghề phổ biến như chăn nuôi gia súc, gia cầm; sửa chữa máy nông nghiệp; vận
hành máy nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản, chế biến món ăn, phát triển dịch vụ
thương mại nhỏ …

(Báo
Hải Phòng 23/01/2018
)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lao động nông thôn rời doanh nghiệp về địa phương: Phối hợp dạy nghề, tạo việc làm phù hợp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác