Print Thứ Sáu, 19/03/2021 19:00 Gốc

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 10-3, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có gần 10 nghìn lao động ngoại tỉnh (chủ yếu quê Hải Dương) chưa trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm công việc, chỗ ở của lực lượng lao động này, các công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở tích cực, chủ động thương lượng với chủ sử dụng lao động và chủ nhà trọ thực hiện các giải pháp theo hướng có lợi cho người lao động.

“Giữ việc” để chờ người

Thấu hiểu nỗi lo mất việc hoặc bị xáo trộn vị trí việc làm của những lao động chưa trở lại làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp linh hoạt tổ chức phương án sản xuất. Tại Công ty TNHH P.I.T Vina (huyện An Dương), nơi còn thiếu gần 200 lao động quê Hải Dương chưa trở lại làm việc, cán bộ công đoàn đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục gia hạn hợp đồng nhằm giữ việc cho người lao động. Xác định tình trạng thiếu hụt lao động chỉ tạm thời, nên thay vì việc tuyển dụng mới, công ty bố trí dồn dây chuyền sản xuất, động viên lao động làm việc tăng ca, tương trợ để “giữ việc” cho những lao động chưa trở lại làm việc. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chọn phương án “thuê lao động thời vụ”. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nam Thuận (huyện Thủy Nguyên) cho biết: “Cuối tháng 3, hơn 100 lao động quê ở Đông Triều (Quảng Ninh) mới bắt đầu trở lại công ty làm việc. Để bảo đảm việc làm, thu nhập của lao động làm việc lâu năm, chúng tôi đề xuất lãnh đạo công ty thực hiện phương án thuê lao động thời vụ, trả lương theo ngày để không gây tâm lý hoang mang với những người lao động “nhập cuộc” muộn hơn”.

Theo thống kê sơ bộ của Liên đoàn Lao động thành phố, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến ngày 10-3, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có khoảng 10 nghìn lao động quê Hải Dương chưa trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Phần lớn lao động chưa trở lại làm việc tập trung ở một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Tohoku Pioneer, Công ty TNHH LG Display Việt Nam, Công ty TNHH Crystal Sweater Việt Nam…. đều thuộc địa bàn huyện An Dương, địa phương giáp ranh tỉnh Hải Dương. Những lao động này được doanh nghiệp bố trí tạm nghỉ, hưởng lương tối thiểu hoặc làm việc theo hình thức trực tuyến. Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, Liên đoàn Lao động huyện An Dương đề nghị, khi hết thời gian cách ly y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính, doanh nghiệp tiếp nhận lao động trở lại làm việc, không sa thải lao động sai quy định hoặc gây khó khăn trong sắp xếp vị trí việc làm, gây tâm lý hoang mang trong người lao động, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Công ty TNHH Nam Thuận (huyện Thủy Nguyên) giãn đơn hàng, dồn dây chuyền sản xuất, không tuyển thêm lao động để “giữ việc” cho người lao động.

Bảo đảm điều kiện về chỗ ở

Nhằm sẻ chia, giúp đỡ lao động ngoại tỉnh, nhất là những lao động trở lại Hải Phòng muộn do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số công đoàn cấp trên cơ sở vận động chủ nhà trọ giữ phòng “chờ người lao động”. Theo anh Cao Hữu Tuấn, chủ nhà trọ thôn Đồng Xuân, xã Hồng Phong (huyện An Dương), trong số 10 phòng trọ của gia đình, có 1-2 phòng không có người thuê vì lao động quê Hải Dương chưa trở lại làm việc. Tuy nhiên, được sự động viên của Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, chủ nhà trọ vẫn giữ phòng, trông coi đồ đạc giúp người lao động trong thời gian ít nhất 2 tháng, hỗ trợ giảm giá phòng thuê 1 tháng vì người thuê trọ không có thu nhập ổn định.

Tình hình dịch bệnh tạm lắng cũng là lúc lao động ồ ạt trở lại Hải Phòng làm việc dẫn tới nhu cầu về phòng trọ tăng. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thủy Nguyên Nguyễn Bá Quế cho biết: Đến quý 1-2021, chúng tôi hoàn thành khảo sát và chuẩn bị lắp đặt hệ thống Internet không dây (wifi) miễn phí ở các khu nhà trọ có đông lao động trên địa bàn huyện, tạo điều kiện để người lao động thuê trọ; tăng cường hỗ trợ người lao động tiếp cận thông tin: tìm kiếm việc làm, pháp luật lao động, phòng, chống dịch bệnh… Đồng thời, Liên đoàn Lao động huyện Thủy Nguyên phối hợp lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” để dọn vệ sinh, phun khử khuẩn các khu nhà trọ đông công nhân, góp phần bảo đảm sức khỏe cho lực lượng lao động ngoại tỉnh.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đào Thị Huyền, để người lao động ngoại tỉnh nhanh chóng bắt nhịp “trạng thái bình thường mới” công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục có nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bộ hơn. Trước mắt, công đoàn cơ sở cần kịp thời tổ chức hội nghị người lao động nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ lao động, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các vụ tranh chấp lao động tập thể và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với lao động xa quê nói riêng, công nhân thành phố nói chung.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, có gần 30 nghìn lao động quê Hải Dương, Quảng Ninh làm việc trên địa bàn thành phố. Trong đó, có hơn 3 nghìn công nhân lựa chọn ở lại Hải Phòng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Hơn 15 nghìn công nhân trở lại Hải Phòng làm việc vào thời điểm cuối tháng 2-2021./.

Bài và Ảnh: Huy Đại

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc sau khi thực hiện cách ly y tế: Được tạo điều kiện về việc làm, chỗ ở
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác