Sau nhiều năm cau ế ẩm, mùa cau năm nay, giá cau tăng kỷ lục. Những người ở làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) vui mừng vì “thắng lớn”, thu lợi tiền tỷ.
Giá 1 tạ cau tươi bằng 1 chỉ vàng
Làng nghề chế biến cau ở xã Cao Nhân đang vào cao điểm (từ tháng 8 âm lịch đến giữa tháng 11 âm lịch). Khắp nơi, hoạt động thu mua cau tươi khá nhộn nhịp. Liên tục người đi xe máy chở cau tươi từ các nơi tập kết về đây. Tại các xưởng chế biến cau, người lao động hối hả bẻ cau, nhặt cau… Các lò sấy cau “đỏ lửa” ngày đêm. Các thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc túc trực tại địa phương để kịp thu mua cau khô.
“Chưa năm nào giá cau tăng cao kỷ lục và kéo dài như năm nay, lên đến 80 nghìn đồng/kg cau tươi gồm cả cành, gấp hơn 4 lần năm trước. Cả làng nghề ai cũng phấn khởi”, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thu Phạm Văn Tuân, chuyên chế biến cau khô ở xã Cao Nhân cho biết. Anh Tuân có 2 xưởng cau với 10 lò sấy cau. 1 xưởng chuyên sấy cau tươi nhập trong nước và 1 xưởng chuyên sấy cau tươi nhập từ Thái Lan, Myanmar. Giá cau tươi nhập khẩu nước ngoài dao động từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg. Sau chế biến, cau khô Việt Nam có giá 500 nghìn đồng/kg, cau khô Thái Lan và Myanmar có giá 350 nghìn đồng/kg. Hơn 1 tháng nay, anh Tuân xuất hàng với tổng trị giá 300 tỷ đồng, thu lãi 10 tỷ đồng. Anh Tuân còn tạo việc làm cho 50 lao động, với thu nhập dao động từ 200 đến 500 nghìn đồng/ngày.
Xưởng sấy cau của chị Hoàng Thị Hường, ở thôn 8, xã Cao Nhân cũng sôi động không kém. Đầu năm 2024, chị Hường đầu tư 6 tỷ đồng để nâng cấp xưởng cau rộng hơn 800m² hiện đại. Chị Hường cho biết, đầu mùa cau, chị xuất khẩu 300 tấn cau khô, gấp hàng chục lần so với mùa năm trước. Năm 2023, chị xuất được 5 tấn cau khô, lỗ đến 8 tỷ đồng vì ế, cau khô bị mốc phải đổ đi. Dự tính năm nay, chị Hường bù lại phần lỗ năm trước và chi phí đầu tư xưởng.
Không chỉ xưởng cau của anh Tuân, chị Hường, mà hơn 30 xưởng cau khác ở xã Cao Nhân cũng đang bận rộn thu mua, chế biến cau. Các chủ xưởng cau đi khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định đến tận miền Trung đặt các đại lý thu mua cau tươi. Có chủ xưởng sang Thái Lan, Myanmar nhập hàng chục container cau tươi. Các chủ vườn cau tại xã Cao Nhân và các địa phương khác “thắng lớn”. Như gia đình ông Hoàng Văn Quang ở thôn 8, xã Cao Nhân thu 800 triệu đồng từ bán cau trước đợt bão số 3. “Với giá cau hiện tại, 1 tạ cau tươi đổi được 1 chỉ vàng”, ông Quang phấn khởi bộc bạch.
Sớm xây dựng làng nghề
Theo thống kê của UBND xã Cao Nhân, trên địa bàn xã hiện có 37 xưởng chế biến cau khô xuất sang thị trường Trung Quốc. Hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã có việc làm ổn định, với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể, khoảng 3 năm trở lại đây, hơn 1.000 hộ của xã Cao Nhân trồng cau trở lại, với tổng diện tích hơn 65ha. Hiện, có 124 nghìn cây cau trưởng thành cho thu hoạch.
Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân Nguyễn Văn Tiến thông tin, nghề trồng và chế biến cau ở xã Cao Nhân đang mang lại kinh tế chủ yếu của người dân địa phương. Đời sống người dân nâng cao hơn trước. Song, dù được công nhận làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân từ năm 2007, nhưng đến nay chưa xây dựng được làng nghề, chưa có ban quản lý làng nghề. Do đó, công tác bảo vệ môi trường của làng nghề, nhất là thu gom, xử lý rác thô như vỏ, cùi cau và nước thải từ sấy cau phải gộp chung vào thu gom rác thải sinh hoạt của địa phương. Ngoài ra, chưa có chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với làng nghề, các hoạt động chủ yếu tự phát trong các hộ làm nghề. Hiện, địa phương chuẩn bị sẵn quỹ đất và được quy hoạch làng nghề, nên đề nghị UBND huyện, thành phố sớm quan tâm đầu tư xây dựng làng nghề.
Cũng theo các chủ lò sấy cau ở xã Cao Nhân, năm nay, giá cau tăng cao, người trồng cau, người làm nghề chế biến cau tăng thu nhập. Tuy nhiên, giá thị trường còn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái nước ngoài. Chị Hoàng Thị Hường, chủ xưởng cau bày tỏ, các xưởng mới dừng lại ở sấy cau. Thương lái nước ngoài về tận xưởng thu mua cau khô và vận chuyển đi nên thường ép giá các chủ xưởng cau. Vì thế, những năm cau được giá cau, chủ xưởng có thể thu tiền tỷ, nhưng năm rớt giá cũng lỗ nặng. Các chủ xưởng mong được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, để ổn định phát triển làng nghề, làm giàu cho bản thân và quê hương.
Bài và ảnh: BÙI HƯƠNG