Những ngày này, tại các làng trồng hoa Tết của thành phố như Đặng Cương, Hồng Thái (huyện An Dương), Đằng Hải (quận Hải An) tấp nập cảnh người dân chăm sóc và khách hàng đến xem, mua bán hoa. Vất vả cả năm chăm sóc và vào lúc giáp tết, bà con nơi đây “ăn, ngủ cùng hoa…”
“Ăn, ngủ cùng hoa”
Đi giữa vườn đào thế rộng 2.000m2, anh Trần Minh Tiến (thôn Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương), chủ nhân của 350 gốc đào không giấu nổi niềm vui khi ngắm thành quả sau cả năm trời vất vả. Năm nay, thời tiết khá thuận, nắng ấm, hoa đào phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Trước tết khoảng chừng một tháng, anh tuốt lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi phần nụ, hoa. “Việc tuốt lá cần được tính toán kỹ, thường 1 tháng trước Tết để cây ra hoa đúng thời điểm, nhờ đó giá bán sẽ cao hơn”, anh Tiến nói. Việc tuốt lá chỉ kéo dài từ 2, 3 ngày để cả vườn đào cùng đồng loạt bung nụ nên anh phải thuê thêm 5 lao động địa phương để cùng tuốt lá, chăm cây.
Còn ông Phạm Văn Trung (thôn Kiến Phong, Đồng Thái, An Dương) chia sẻ, phải “ăn, ngủ cùng hoa”, bởi cả năm chỉ trông vào 1 tháng Tết, nếu có sự cố gì là coi như năm đó mất Tết. Là người có thâm niêm hàng chục năm trồng đào, quất Tết, ông Trung chưa bao giờ chủ quan mà luôn cẩn trọng trong mọi công đoạn. Từ làm đất, tưới tiêu, sang chiết, giâm cành, tạo thế cây đều vô cùng tỉ mẩn, thận trọng. “Từ giờ đến Tết, nếu thời tiết vẫn ấm ẩm như hiện giờ, hoa sẽ nở đúng vào Tết. Tuy nhiên “nắng mưa là chuyện của trời”, nếu lạnh quá hoặc nóng quá đều gây bất lợi nên chúng tôi phải chuẩn bị các phương án như bón phân, chiếu đèn sưởi… để đối phó với tình hình thời tiết thất thường”, ông Trung cho biết.
Dạo quanh các vườn đào, quất ở xã Đặng Cương, Hồng Thái những ngày này, thấy được khí thế lao động hăng say của người nông dân nơi đây. Hàng nghìn gốc đào, quất đang giấu mình trong những thân cây xù xì, tán lá xanh rì chờ ngày bung nở, khoe sắc. Lượng khách hàng đến chọn và đặt mua, thuê đào, quất cũng tăng rất mạnh, trong đó có khách hàng đến từ Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Chị Bùi Thị Ngọc Trâm, nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Thủ Đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đào ở đây có dáng đẹp, cánh hoa dày, sắc đào phai quyến rũ mà giá cả phải chăng nên nhiều năm nay, doanh nghiệp là khách hàng quen thuộc của đào Đồng Dụ.
Mong mưa thuận gió hòa
Anh Trần Minh Tiến hào hứng cho biết, mọi năm cứ tầm 22, 23 tháng chạp là vườn đào của anh đã “có nơi có chốn”. Năm nay, dù còn nhiều ngày nữa mới đến Tết nhưng phần lớn số gốc đào được khách hàng đến “đặt gạch”, chờ ngày rước về nhà. Giá đào cây vẫn dao động từ 300.000 đồng/cây trở lên, cá biệt có gốc đào vài chục năm tuổi có giá lên đến 7-10 triệu đồng hoặc giá thuê từ 2-3 triệu đồng. “Nếu thuận lợi, mỗi hộ trồng đào, quất Tết có thể “dắt túi” vài ba trăm triệu, phần thưởng xứng đáng cho cả năm “một nắng hai sương”, anh Tiến chia sẻ.
Với các hộ trồng hoa ở phường Đằng Hải (quận Hải An), ai cũng mong chờ vụ mùa năm nay, kinh doanh sẽ có lãi. Để phục vụ thị trường Tết Canh Tý, bên cạnh các loại hoa truyền thống như lay ơn, cúc, hồng nhung, thược dược…, một số hộ trồng thêm một số giống hoa mới như hoa oải hương, hoa hướng dương, cẩm tú cầu… Bà Lê Thị Tùng, người trồng hoa ở đây cho biết, vụ hoa năm nay, gia đình bà xuống giống 3 sào hoa lay ơn và cúc với diện tích hơn 1.000m2. Thời tiết mưa thuận, gió hòa nên các luống đều sinh trưởng tốt, thân to, bông mập nên bà rất phấn khởi. Giá hoa năm nay không tăng nhiều, chủ yếu vẫn từ 30.000-50.000 đồng/chục lay ơn, 5.000-7.000 đồng/bông cúc vàng… nhưng bà Tùng hy vọng năm nay sẽ “ăn” Tết to. Bởi đến thời điểm này, toàn bộ số hoa đã được các thương lái đến thu mua hết.
Anh Tiến chia sẻ: “Nghề trồng hoa Tết là công việc “đánh cược với thời tiết”, vất vả, nhọc nhằn quanh năm, nếu mưa thuận, gió hòa thì “trúng đậm”, còn nếu “ông trời không thương” cũng đành chịu, lại tiếp tục chăm bẵm, vun trồng từng gốc cây, mong vụ mùa năm sau sẽ không còn “thất bát”. Chứ bảo bỏ nghề thì không ai bỏ được đâu…”./.
An Nhiên/Theo Báo Hải Phòng