Print Thứ năm, 03/11/2022 18:30 Gốc

Ngày 3/11, tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đến nay, Việt Nam đã được công nhận 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Các đại biểu phát động chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh” tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hằng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá, năm 2022, Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đa dạng sinh học chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân, qua đó giữ gìn hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau. Nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho quản lý, bảo vệ các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, lần đầu tiên việc thành lập, đề cử công nhận, quản lý và bảo vệ môi trường các Khu dự trữ sinh quyển đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của các địa phương. Tại các Khu dự trữ sinh quyển, đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực hiện và lan tỏa trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều Khu dự trữ sinh quyển sau khi được ghi danh đã nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, nhờ đó tốc độ phát triển gấp nhiều lần. Điển hình như Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà không chỉ dự trữ sinh quyển cho nhân loại mà còn được xem là khu dự trữ nguồn sống, dự trữ tương lai sinh tồn và sự phát triển, gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ, việc quản lý và phát triển các Khu dự trữ sinh quyển thế giới còn những tồn tại, hạn chế; việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế còn gặp không ít khó khăn. Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang tiếp tục bị suy giảm; một số mục tiêu của chiến lược không đạt mong muốn. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chính các Khu dự trữ sinh quyển là những “phòng thí nghiệm thiên nhiên” để áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, các phương thức, giải pháp mới nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên liên quan phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị, tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên; kêu gọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các Khu dự trữ sinh quyển tại địa phương.

Các đơn vị, địa phương thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của Khu dự trữ sinh quyển. Các địa phương, đơn vị áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các Khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững.

Chia sẻ về công tác bảo tồn gắn với phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, việc bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai hiệu quả, đúng quy định theo các phân vùng của Khu dự trữ sinh quyển, cùng với các dự án trồng rừng, làm giàu rừng được thực hiện đã làm phong phú thêm các thảm thực vật, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sống cho các loài động vật đặc hữu phát triển.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã được UNESCO quốc tế ghi nhận thực hiện thành công phương châm “Bảo tồn cho phát triển-Phát triển cho bảo tồn” và khung hoạt động “Tư duy hệ thống-Quy hoạch cảnh quan-Điều phối liên ngành-Kinh tế chất lượng” do Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO tại Việt Nam khởi xướng. Những hoạt động đó đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Tin, ảnh: Hoàng Nam (TTXVN)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác