Với bản tính cần cù lại ham học hỏi, tiếp thu cái mới, ông Phạm Minh Hạnh, sinh 1970, hội viên Chi hội Nông dân thôn Thống Nhất, xã Minh Tân, Kiến Thụy, đã áp dụng thành công tiến bộ KHKT vào mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp với nuôi trồng thủy cầm, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu được nhiều người học tập, làm theo.
Năm 2008, sau khi đi nhiều nơi, tham quan học hỏi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, ông Hạnh nhận thấy diện tích cấy lúa của gia đình mình cho hiệu quả thấp.
Trong khi đó, các hộ xung quanh lại bỏ ruộng hoang nhiều nên ông đã quyết định thuê lại ruộng đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi thủy cầm kết hợp với nuôi thả cá trên tổng diện tích 5.000m².
Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém năng suất sang nuôi trồng thủy sản, ông Hạnh đã mạnh dạn đứng lên vay mượn anh em, bạn bè lấy vốn thuê máy xúc, biến diện tích ruộng trên thành ao thả các loại cá giống như: cá chép, trắm, mè, rô phi… Mấy năm đầu việc chăn nuôi thuận lợi, bình quân mỗi năm cho doanh thu gần 50 triệu đồng/ha mặt nước.
Nhận thấy tâm huyết của ông Hạnh với nghề nuôi trồng thủy sản, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã quan tâm, tạo điều kiện cho ông tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân và thường xuyên mời ông tham gia các lớp tập huấn khuyến ngư.
Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ đó của các cấp Hội, ông Hạnh đã từng bước mở rộng diện tích ao nuôi, thuê thêm ruộng bỏ hoang. Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích ao nuôi, gia đình ông Hạnh đã đa dạng các đối tượng nuôi. Hiện, quy mô trang trại của gia đình ông Hạnh đã mở rộng đạt 1,3ha.
Theo ông Hạnh chia sẻ, để chăn nuôi cá đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất, quyết định đến sản lượng cá và hiệu quả chăn nuôi. Do đó, cần phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, khỏe mạnh, kích cỡ tương đương nhau, thả nuôi cùng ao.
Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên chăm sóc, theo dõi đàn cá để kịp thời phát hiện dịch bệnh, có biện pháp xử lý hiệu quả, bảo vệ an toàn cho đàn cá. Tiếp đó, cần phải xử lý tốt ao đầm, cách 15 ngày thay nước một lần. Sau mỗi đợt thu hoạch cá, phải tiến hành cải tạo ao, rắc vôi bột khử trùng, bảo đảm nguồn nước sạch, giúp đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt và sinh sản ổn định.
Nhờ phương pháp nuôi gối vụ, hiện gia đình ông Hạnh nuôi khoảng 1 vạn cá rô phi, 1.000 cá trắm cỏ, 1.000 cá trôi, 500 cá mè.
Đặc biệt, ngoài nuôi thả cá, gia đình ông Hạnh còn kết hợp nuôi 1.200 con vịt đẻ, 5.000 con vịt Super/lứa. Với việc đa dạng các loại hình chăn nuôi, kết hợp nuôi trồng thủy sản với thuỷ cầm trên cùng một diện tích mặt nước như trên, sau khi đã trừ chi phí chăn nuôi đi, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi gần 450 -500 triệu đồng/năm.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình thả cá kết hợp với nuôi thuỷ cầm của gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình.
Ông Ngô Quang Bẩy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân chia sẻ: Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi thủy cầm rất phù hợp với những diện tích ruộng cấy sâu trũng của địa phương. Mô hình này không chỉ giúp khắc phục tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân…
Thành công từ mô hình đã giúp cho gia đình ông Hạnh phất lên làm giàu chính đáng. Thời gian qua, ông Hạnh còn thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp đỡ về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản kết hợp thuỷ cầm cho các hộ dân khó khăn của địa phương để cùng nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi…
KC