Print Thứ năm, 29/08/2019 09:22

Năm 2019 đã đi qua hơn một nửa thời gian, để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế ngay từ bây giờ Chính phủ đã xây dựng mục tiêu và xác định các nhiệm vụ phải thực hiện của năm 2020.

Sẽ tăng trưởng liên tục trong 39 năm

Giai đoạn 2012 – 2014, tăng trưởng GDP xuống dưới mốc 6%. Năm 2015, năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, tăng trưởng GDP đã đạt 6,68% và từ đó đã vượt qua mốc 6%. Nếu năm 2020 đạt được như kế hoạch, thì tốc độ tăng trong thời kỳ 2016 – 2020 cao hơn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 (5,91%); cao hơn tốc độ tăng trung bình của thế giới theo dự đoán hiện nay (trên dưới 3%).

Nếu GDP năm 2020 tăng sẽ là năm thứ 39 tăng liên tục (chỉ thấp hơn kỷ lục của Trung Quốc 42 năm). Mặc dù trong 39 năm qua, Việt Nam đã bị tác động bởi 3 – 4 cuộc khủng hoảng lớn, kể cả cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không bị rơi vào vòng xoáy suy thoái, chỉ bị chậm lại về tốc độ.

Dự báo, quy mô GDP năm 2020 tính theo giá thực tế bằng VND có thể đạt trên 6,82 triệu tỷ đồng. Với dân số ước tính trên 97 triệu người, GDP bình quân đầu người sẽ đạt trên 70 triệu đồng. Nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái (dự báo tỷ giá năm 2020 đạt gần 24.000 VND/USD), thì GDP bình quân đầu người đạt trên 2.900 USD. Như vậy GDP bình quân của Việt Nam sẽ tăng từ vị trí 130 năm 2016 lên trên 120 năm 2020.

Dồn sức cho các nhiệm vụ trọng tâm

Để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một nhiệm vụ quan trọng là: Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển. Trước hết về thể chế, có nhiều việc phải làm. Đó là phải tăng tính thị trường của nền kinh tế để phát huy tác động của “bàn tay vô hình”, tức là các tác động của các quy luật kinh tế; đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn, đẩy mạnh khởi nghiệp để các thành phần kinh tế phát triển…

Mặt khác, Nhà nước tập trung vào việc xây dựng các luật, các văn bản dưới luật, kiểm tra giám sát xử lý các vi phạm để bảo đảm phát huy tác động của “bàn tay hữu hình”, giảm thiểu giấy phép con, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường… Tranh thủ các nguồn vốn chuyển dịch do tác động của chiến tranh thương mại hay các FTA, nhưng sẽ chọn lọc về các mặt công nghệ, bảo vệ môi trường.

Tiếp đến tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi đầu tư, sản xuất, kinh doanh là trực tiếp tạo ra tăng trưởng. Nếu không có môi trường kinh doanh thông thoáng thì không những cản trở, mà còn làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, bởi cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược sớm được đề ra và còn khá lâu dài.

 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Đình Vũ – Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước để hạn chế tác động tiêu cực từ nguy cơ sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu do nhiều nền kinh tế lớn quay trở lại bảo hộ. Mặt khác, tiêu thụ trong nước là động lực của sản xuất kinh doanh, động lực của tăng trưởng.

Muốn vậy cần tăng thu nhập thông qua giải quyết công ăn việc làm, giảm số lượng giải thể, ngừng hoạt động, kinh doanh. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm cả du lịch trong nước, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam.

Cùng với việc thực hiện định hướng trên, cần phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm đã được xác định. Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, từ đó tác động lớn đến quy mô và tốc độ tăng chung của cả nước.

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng là rất quan trọng, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô còn quan trọng hơn, bởi ổn định vừa là điều kiện của tăng trưởng, vừa góp phần làm cho tăng trưởng được bền vững (theo đúng nghĩa phát triển). Ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề căn bản, lâu dài; nhưng đặt vào năm 2020 có một số điểm cần tập trung triển khai. Đó là bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm tích lũy và tiêu dùng, cung và cầu, cán cân thương mại, cán cân thanh toán.

Hiện tích lũy, tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao hơn tốc độ tăng GDP, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhập khẩu tăng nhanh hơn và cao hơn xuất khẩu, khiến cho xuất siêu liên tục trong 4 năm qua có thể chuyển thành nhập siêu.

Như vậy, thâm hụt cán cân thương mại sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán tổng hợp, đến dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá… Do đó phải phối hợp chặt chẽ, kết hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại, giá cả và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã thành công trong 4 năm qua và tiếp tục đạt được trong năm tới…

Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường xử lý nợ đọng thuế.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2018 đạt gần mốc 15,5 triệu lượt người; kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch cũng vượt qua mốc 10 tỷ USD. Mặc dù 7 tháng đầu năm 2019 tăng chậm lại so với trước, nhưng vẫn kỳ vọng cả năm sẽ đạt cao hơn năm trước và khả năng năm 2020 sẽ cao hơn năm 2019.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Làm gì để duy trì tăng trưởng?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác