Print Thứ Tư, 18/09/2019 16:18

Giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt là các phương pháp phòng, chữa bệnh hữu hiệu trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các phương pháp này có thể chữa bách bệnh và sử dụng bất cứ khi nào có nhu cầu. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp gặp nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe khi sử dụng các phương pháp này sai cách.

Cứ đau, mệt là đi giác hơi, bấm huyệt

Giữa tháng 7 vừa qua, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức tiếp nhận người bệnh nữ 50 tuổi gặp “họa” sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm tại nhà thầy lang. Do thường xuyên đau mỏi, chị này tìm tới thầy lang để giác hơi, bấm huyệt, nắn bóp. Về nhà được khoảng 6 giờ đồng hồ, chân phải của chị xuất hiện cảm giác tê bì tăng dần, 1 giờ sau chân chị không thể nhúc nhích được. Tiếp đó đến chân còn lại, từ vùng ngang ngực xuống đến hai chân đều mất cảm giác. Chị mất hoàn toàn khả năng vận động, mất cảm giác, hai tay tê bì và yếu. Sau khi đưa đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ phát hiện khối máu tụ ở đốt sống cổ, tiến hành mổ cấp cứu lấy khối máu tụ. Sau hơn 1 tuần theo dõi, điều trị, chân của chị vận động trở lại, co duỗi bình thường.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Sơn (ở phường Đông Hải 2, quận Hải An), ngủ dậy thấy cổ cứng ngắc, xoay nhẹ cảm thấy rất đau. Nghe người quen tư vấn, anh Sơn đi bấm huyệt tại cơ sở chuyên xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi. Theo lời anh Sơn, các nhân viên chiếu đèn vào sau gáy rồi day, bấm, miết. Ban đầu anh thấy khá dễ chịu, nhưng sau gần 1 tuần thực hiện liệu trình theo chỉ dẫn của các nhân viên, bệnh tình của anh Sơn vẫn không thuyên giảm, mà còn đau dữ dội. Không chịu được, anh Sơn đến bệnh viện chụp chiếu và biết mình bị hội chứng cổ vai gáy, nếu cố tình điều trị bằng phương pháp bấm huyệt sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Trên đây là 2 ví dụ điển hình trong việc lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi để chữa bệnh và gặp hậu quả không mong muốn. Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng Dương Văn Hà cho biết: Hiện nay, rất nhiều người có suy nghĩ bấm huyệt, giác hơi có thể chữa được các bệnh từ đau mỏi vai gáy đến các bệnh xương, khớp, thoát vị đĩa đệm, đau đầu, mất ngủ… Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi các phương pháp này chỉ là phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Ngoài ra, trước khi thực hiện các phương pháp trên, bác sĩ phải khám, chẩn đoán tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh để có phương pháp điều trị tốt nhất. Hiện nay, còn có tình trạng một số người tự học xoa bóp, bấm huyệt trên mạng, chỉ với chiếc máy tính có kết nối internet, “các bác sĩ, giáo sư” trên mạng sẽ hướng dẫn cách xác định, phân biệt các huyệt đạo và hướng dẫn người học các thao tác xoa bóp, bấm huyệt. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Lựa chọn cơ sở uy tín, chuyên sâu

Giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt là một trong những liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc rất hữu hiệu. Tuy nhiên, để phát huy được công dụng của liệu pháp này đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức nhất định về Đông y và Tây y. Trên cơ thể con người có khoảng gần 1.000 huyệt, do đó, trị bệnh bằng giác hơi, xoa bóp bấm huyệt là kỹ thuật phức tạp và cần sự chính xác cao. Bác sĩ y học cổ truyền phải mất 6 năm và sau 24 tháng làm việc tại các cơ sở chữa bệnh của nhà nước mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Những người học hệ trung cấp y học cổ truyền cũng có thể xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi nhưng chỉ làm phụ, không được làm chính.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi “mọc” lên khá nhiều, tự xưng là “lương y” và nhân viên làm tại các cơ sở này cũng chưa bảo đảm bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. Phần lớn nhân viên được đào tạo tại chỗ, làm nhiều thành quen và hoàn toàn không có chuyên môn về lĩnh vực này. Quan sát tại một số cơ sở, nhân viên đều có bảng tên, chuyên ngành nhưng cũng chỉ là hình thức để “qua mặt” khách hàng.

Bác sĩ Dương Văn Hà khuyến cáo, nếu đi xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, người bệnh nên tìm đến những trung tâm uy tín và được đào tạo bài bản tại những bệnh viện học cổ truyền, trung tâm phục hồi chức năng để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân. Sau khi sử dụng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi nếu thấy bất cứ biểu hiện khác thường nào cần lập tức đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện bệnh, kịp thời điều trị.

Hoàng Xuân. Nguồn: Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lạm dụng giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt: Coi chừng rước “họa” vào người
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác