Kinh tế

Lãi suất nhiều ngân hàng đồng loạt tăng kịch trần

Sau quyết định nâng trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.

Sau quyết định nâng trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ mức 5%/năm lên thành 6%/năm của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.

Những ngân hàng đầu tiên công bố biểu lãi suất mới bao gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)…

Trong đó, lãi suất huy động dưới 6 tháng lĩnh lãi cuối kỳ tại các ngân hàng này đã tăng lên mức kịch trần 6%/năm.

Sacombank tăng mạnh lãi suất từ 1,4-1,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lên dao động từ 5,6-6%/năm khi gửi tiền tại quầy. Ảnh: BNEWS phát.

Cụ thể, Sacombank tăng mạnh lãi suất từ 1,4-1,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lên dao động từ 5,6-6%/năm khi gửi tiền tại quầy. Trong khi đó, trên kênh tiền gửi trực tuyến, Sacombank đồng loạt áp dụng mức lãi suất 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Lãi suất tiền gửi Sacombank kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng cũng tăng lên mức 7-7,25%/năm khi gửi tại quầy. Khi gửi trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với gửi tại quầy; kỳ hạn 9 tháng là 7,65%/năm; 12 tháng là 7,8%/năm; từ 24 tháng là 8%/năm. Các mức lãi suất này đều tăng từ 0,6-1,5%/năm so với biểu lãi suất trước đó.

Đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động thứ 2 của Sacombank trong tháng 10. Trước đó, Sacombank đã tăng lãi suất khoảng 0,5-0,7%/năm với các kỳ hạn trên 6 tháng.

Còn tại BacABank, lãi suất tiền gửi từ 1 đến 5 tháng từ mốc 5%/năm được điều chỉnh lên kịch trần 6%/năm.

Không chỉ với kỳ hạn ngắn, lãi suất tiền gửi tại BacABank kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tăng từ mức 7-7,05%/năm lên dao động từ 7,6-7,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng từ 7,2%/năm lên thành 8%/năm; kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng tăng từ 7,4%/năm lên 8,2%/năm.

Cũng là một trong số các ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi suất, NCB áp dụng lãi suất kịch trần 6%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Nếu hồi đầu tháng 10, khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tại NCB chỉ được hưởng lãi suất từ 6,75-6,85%/năm thì nay đã tăng lên 7,45-7,55%/năm nếu gửi tại quầy và 8-8,1%/năm nếu gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 7%/năm lên 7,65%/năm nếu gửi tại quầy và 8,2%/năm nếu gửi trực tuyến.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn, phổ biến từ 1-1,2%/năm.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 và 3 tháng lên lần lượt là 5,7%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm; kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Còn với tiền gửi online tại OCB, lãi suất kỳ hạn 12-24 tháng tăng lên 7,8%/năm; kỳ hạn 36 tháng lên cao nhất là 7,85%/năm.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 1%/năm lên đồng loạt ở mức 5,7%/năm. Lãi suất tiền gửi tại SeABank kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tăng từ 0,8-1,3%/năm lên mức 6,7-6,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8%/năm lên 6,9%/năm; kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng tăng mạnh 1,2%/năm lên mức 7,4%/năm.

Còn tại các ngân hàng lớn, tính đến sáng 26/10, lãi suất niêm yết vẫn chưa có sự thay đổi. Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) hiện vẫn áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 6,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới 6,8%/năm với gửi tiền trực tuyến, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng dao động từ 4,7-4,8%/năm; kỳ hạn dưới 6 tháng, dao động từ 4,1-4,4%/năm.

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã có đợt tăng mạnh lãi suất trong trung tuần tháng 10, trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm 2022.

Như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), lãi suất huy động tháng 10 đã tăng thêm 0,7-1%/năm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng 1%/năm lên thành 7,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,7%/năm lên thành 7,6%/năm; kỳ hạn 36 tháng thêm 0,8%/năm lên thành 7,9%/năm…

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng tăng lãi suất từ 0,8-1%/năm từ ngày 17/10, đưa lãi suất cao nhất tại ngân hàng này lên mức 7,8%/năm cho khách hàng gửi tiền trực tuyến từ 13 tháng trở lên; lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,3%/năm…

Đáng chú ý, Ngân hàng số Cake by VPBank, một sản phẩm kết hợp giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty TNHH BeFinancial (công ty con của BeGroup) từng có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường lên đến 9,5%/năm cho khoản gửi từ 300 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng. Nhưng từ ngày 19/10, lãi suất kỳ hạn này đã giảm xuống còn 8,8%/năm.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, lãi suất huy động đã liên tục thiết lập mặt bằng mới, trung bình đã tăng từ 1-2%/năm so với trước đó. Từ nay tới cuối năm, giới phân tích dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhằm hút tiền về, giảm áp lực lên thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn mùa cuối năm. Tuy vậy, tăng lãi suất huy động cũng sẽ tác động lớn đến chi phí đầu vào, phần nào ảnh hưởng đến biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng.

Trước đó, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tăng nhiều loại lãi suất; trong đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm…

Đây là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất tiền cho các kỳ hạn dưới 6 tháng sau lần điều chỉnh đầu tiên ngày ngày 22/9.
Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước giúp hạ nhiệt tỷ giá tạm thời nhưng sẽ kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất, đặc biệt là tại các ngân hàng vừa và nhỏ. Từ đó sẽ tạo áp lực mạnh lên mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng./.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn tin: BNews

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More