Xã hội

Lại lo thực phẩm mất an toàn mùa nắng nóng

Mấy ngày nay, thời tiết nắng nóng dữ dội, mặc dù trước đó đã có mấy trận mưa lớn, nhưng dường như nhiệt độ chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Điều này đang khiến cho thực phẩm bày bán tại các chợ đứng trước nguy cơ chóng bị hư hoại, gây mất an toàn.

Lo nhất ở chợ truyền thống

Chị Nguyễn Thị Thu ở đường Cát Bi cho biết, sau đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, việc họp chợ ở khu vực lòng đường cũng được chính quyền kiểm soát chặt, nên nhân thể chị dành một phần diện tích cửa nhà cho thuê bán thịt. Chính vì vậy chị chứng kiến rất rõ, mẹt thịt của người thuê nhà để bán bày ra buổi sáng còn tươi hồng màu tiết, để đến buổi trưa đã nhợt nhạt, có miếng bốc mùi ôi.

Chị Thu cho biết thêm, vì nhà gần chợ nên mùa đông cứ gần giờ sắp bữa chị mới mua thức ăn cho đỡ mất thời gian, nhưng mùa hè này cứ phải ra chợ sớm, vì muộn một chút là vớ phải đồ ôi oai, nhất là các loại thịt làm sẵn và thủy sản rã đông.

Còn theo một số tiểu thương ở đường An Đà, nguồn thịt tươi sống tại các chợ trên địa bàn thành phố hiện đến từ nhiều nguồn, nhưng vì xu thế phục vụ công nghiệp nên trải qua nhiều công đoạn lưu trữ. Trước kia đa phần các cửa hàng thịt tự mua lợn gà sống về giết mổ và bán lẻ, nay một phần tốn công tốn sức, một phần do bị quản lý chặt nên mô hình này ngày càng giảm đi.

Thực phẩm bán ngoài chợ truyền thống mùa nóng rất nhanh bị giảm chất lượng.

Hầu hết người bán cất lại từ các lò mổ, vì vậy thời gian sản phẩm “chạy” trên tuyến lưu thông dài hơn, khiến nguy cơ đến với người tiêu dùng cũng cao hơn. Ông S. ở xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng) chuyên nghề cung cấp gia cầm làm sẵn cho các chợ nội thành chia sẻ: “Phần lớn gia cầm phải vặt lông từ đêm, sáng sớm được chuyển vào bỏ mối cho các đầu tiêu thụ…”.

Cách thức như vậy, nên các sản phẩm trên dù có đến tay người tiêu dùng từ sáng sớm, nhưng cũng đã được xả thịt từ vài tiếng tiếng trước đó. Trong điều kiện như vậy, nguồn thịt bày đến trưa hoặc chiều không ôi mới lạ.

Đối với nguồn thủy sản, ngoài cá tôm tươi nuôi được giữ sống bằng các dụng cụ chứa nước truyền thống, phần lớn thủy sản khai thác đánh bắt đều ướp đá trong thùng xốp hoặc để tự nhiên. So với các loại thịt thì thời gian ươn ôi của tôm cá còn nhanh hơn, nhất là loại khi rã đông, phần nội tạng hư hại nhanh nhất.

Trong khi đó hầu hết các loại rau quả tươi đều chung hoàn cảnh, với cái nóng oi ả mùa hè, rau xanh dù được tưới nước đều đặn vẫn héo rũ, quả thì mau chín và phân hủy. Theo nhiều khách hàng nội trợ, đa số các loại quả hiện đều có dấu hiệu dùng thuốc bảo quản, mùa đông ít lộ hơn, nhưng mùa hè chỉ cần mua về một ngày, trên từng quả đều xuất hiện vết châm bị lở toét hoặc thâm rám, kể cả những sản phẩm mua từ siêu thị, rời môi trường bảo ôn là có hiện tượng trên.

Khỏi phải nói đến việc chất lượng khi thực phẩm tươi bị giảm, mà bản thân nó luôn đem lại thiệt hại lớn về kinh tế cho người bán, nguy hại mất an toàn cho người tiêu dùng.

Cụ thể tại các chợ đầu mối vào mùa này, giá thịt buổi trưa bao giờ cũng giảm ít nhất 10% so với buổi sáng, giá tôm cá ươn ôi có khi giảm tới hơn 20% so với lúc vừa “thoát lò”. Mà ngộ nhỡ ăn phải, người dùng thấy mất ngon là một lẽ, lại thêm tâm trạng lo lắng. Nguy hại hơn, nếu thực phẩm bị hư hoại bị ế, lại được bán dồn bán đổ cho các quán cơm, hàng ăn, xưởng cơm hộp…

Các siêu thị có chế độ bảo ôn tốt, đáp ứng yêu cầu mùa hè.

Cần tăng cường quản lý, kiểm soát

Đáng nói là lượng cung thực phẩm tại các chợ truyền thống vẫn chiếm đa số với người tiêu dùng, mà không phải người nội trợ nào cũng có điều kiện lựa chọn thời gian đi chợ thích hợp để mua được sản phẩm vừa ý.

Trên thực tế, bảo quản thực phẩm nếu không dùng hóa chất thì cách phổ biến nhất vẫn là lưu trữ trong môi trường bảo ôn, hiện chỉ có hệ thống các siêu thị, một số ít cửa hàng chuyên doanh thực phẩm khác trên địa bàn thành phố đáp ứng được yêu cầu này.

Nghĩa là, mỗi ngày có một khối lượng thực phẩm rất lớn không đảm bảo tiêu chuẩn vẫn được tiêu thụ, trải suốt hệ thống phân phối của các chợ nội ngoại thành qua đường buôn mẹt bán sạp.

Mà ở đây, trách nhiệm thuộc khá nhiều về thói quen của người mua, bằng chứng là dù nhiều người không có điều kiện đi siêu thị, nhưng ngay tại các cửa hàng bán có chế độ bảo ôn cũng rất vắng khách. Có lẽ tâm lý mua đồ rẻ để tiết kiệm khẩu phần ăn vẫn đè nặng lên người tiêu dùng, dù biết rằng nhiều khi “lợi bất cập hại”.

Trong đợt triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố nêu rõ. Thời gian qua thành phố đã tập trung cao công tác an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến rõ nét, những vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên nguy cơ mất an toàn vẫn còn phức tạp, nhất là ở các khâu sản xuất, các cơ sở giết mổ, các bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố… Chính vì vậy, thành phố đã chọn chủ đề an toàn năm này là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”.

Theo một số liệu báo cáo,  trên địa bàn Hải Phòng hiện có khoảng 24 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó có khoảng 7 nghìn cơ sở sản xuất, gần 6 nghìn cơ sở kinh doanh, còn lại chiếm phần nhiều là cơ sở dịch vụ ăn uống, hầu hết là mô hình nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình hoặc thức ăn đường phố.

Có thể nói, sau thời gian ngắt quãng vì dịch bệnh Covid-19, thời điểm này cũng là lúc du lịch biển khởi động lại mạnh mẽ, lượng khách đến Hải Phong tăng cao sẽ phát sinh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm. Mặt khác, với vị thế cửa ngõ giao thương hàng hóa, Hải Phòng là một trung tâm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sử dụng thực phẩm lớn của khu vực.

Cùng với đó, sự xuất hiện của hàng chục khu công nghiệp, sử dụng lao động tập trung, chính là tiền đề phát triển của mô hình ăn uống công nghiệp và dịch vụ ăn uống khác, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.

Những kết quả đạt được thời gian qua là khả quan, nhưng nhiệm vụ bảo đảm ATTP là một vấn đề lớn, diễn ra trên phạm vi rộng, tiềm ẩn nhiều phức tạp. Thiết nghĩ trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung, công tác ATTP cần phải được tập trung tương xứng với tốc độ phát triển của thành phố.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển các mô hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ thực phẩm sạch, cần tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển các loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hy vọng rằng, với quyết tâm cao, Hải Phòng sẽ tạo được bước chuyển căn bản trong công tác quản lý bảo đảm cho người quản lý, người tiêu dùng kiểm soát được chuỗi thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”, tạo môi trường thực phẩm an toàn bèn vững, vì sức khỏe cộng đồng.

Lê Minh Thắng

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More