Print Thứ Năm, 28/11/2019 15:10 Gốc

Đã 60 năm kể từ ngày Bác Hồ phát động phong trào Tết trồng cây (28/11/2019), những tư tưởng của Người trong phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc vẫn còn nguyên giá trị. Ở nhiều nơi, việc trồng cây được thực hiện trong những dịp đặc biệt.

Trước khi cưới phải… trồng cây

Tại hội thảo khoa học “60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây (1959 – 2019 và kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp  Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức mới đây, kể câu chuyện trồng những khu vườn hạnh phúc, doanh nhân Phạm Hồng Điệp – Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (TP.Hải Phòng) đã cho thấy, việc thực hiện tư tưởng của Bác về trồng cây, gây rừng, “bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình” có thể được áp dụng ở mọi lúc mọi nơi.

Từ năm 2005, ông Điệp đã nghiên cứu và thực hiện đề án xây dựng các khu công nghiệp xanh, khu dân cư xanh. Cách làm của ông cũng khá đặc biệt, thay vì ra các quy định, mệnh lệnh hành chính về trồng cây phủ xanh môi trường, ông Điệp kêu gọi mỗi cặp vợ chồng mới cưới trồng một cây xanh trong khuôn viên khu công nghiệp.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp (phải) là người có ý tưởng mỗi cặp vợ chồng sắp cưới phải trồng một cây xanh ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. 

“Đây là vừa một kỷ niệm đáng nhớ trong ngày cưới của các bạn trẻ, vừa làm đẹp, làm xanh môi trường. Trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có khoảng 1 vạn công nhân, phần lớn còn rất trẻ, chỉ cần mỗi người góp một cây xanh thì diện tích được phủ xanh sẽ vô cùng lớn. Chúng tôi gọi những hàng cây, khu vườn do các cặp đôi trồng là những khu vườn hạnh phúc” – ông Điệp nói.

Cứ như vậy, mỗi bạn trẻ ở Nam Cầu Kiền đã góp sức biến nơi đây thành một trong những khu công nghiệp xanh nhất Hải Phòng. “Để làm được điều này, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động từng công nhân ý thức bảo vệ môi trường, mỗi đợt trồng cây trở thành ngày hội của doanh nghiệp” – ông Điệp cho biết thêm.

Ông Điệp cho biết thêm, từ ý tưởng này, nhiều địa phương, khu dân cư ở TP.Hải Phòng cũng áp dụng, tạo màu xanh cho nhiều làng quê.

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công nhấn mạnh, sau khi phát động phong trào, Tết Nguyên đán năm ấy Bác là người đầu tiên gương mẫu thực hiện. Bác đã trồng cây đa tại công viên Thống Nhất (nay là Công viên Lênin) vào ngày 11/1/1960, mở đầu cho phong tục mới vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Cũng theo ông Công, về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tết trồng cây, Người chỉ rõ, việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Với ý nghĩa đó “Tết trồng cây” trở thành một phong trào rộng lớn đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cho đến ngày nay, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mỗi khi Tết đến, xuân về.

60 năm thực hiện phong trào Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc. Trong ảnh: Kiếm tra chất lượng rừng gỗ lớn ở Quảng Trị. Ảnh: I.T

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, 60 năm qua, lời phát động “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí minh vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

“Nếu như tổng diện tích đất có rừng năm 1991 là 10,4 triệu ha thì đến năm 2018 là 12 triệu ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2019 ước đạt 41,85%, tăng 0,66% so với năm 2016 và tăng tới 13,85% so với năm 1991. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng cao và liên tục tăng bền vững trong những năm trở lại đây” – ông Trị nói.

Trong khi đó, GS – TS Võ Đại Hải – Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc rừng đã mang lại kết quả tích cực. Trong vòng 20 năm (1997 – 2016), trữ lượng gỗ của cả nước tăng khoảng 370 triệu m3, trong đó trữ lượng rừng tự nhiên tăng khoảng 234 triệu m3; trữ lượng rừng trồng khoảng 136 triệu m3. “Việc trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC đang dần đáp ứng cơ bản nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ nhu cầu chế biến trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu lâm sản trong những năm qua” – ông Hải khẳng định.

Lập kỷ lục mới

Trước khi lập gia đình, các công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đóng góp 1 cây xanh.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành lâm nghiệp thời gian qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn của thế giới. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2019 đạt 1,03 tỷ USD, tăng 22,7% so với tháng 10/2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 747,4 triệu USD, tăng 16,9% so với tháng 10/2018.

Lâm sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu đứng thứ nhất Đông Nam Á, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới.

Tính chung 10 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,55 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất trong 10 tháng năm 2019, đạt 4,19 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2018.

“Tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng trong phong trào Tết trồng cây Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động 60 năm trước, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên một đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp họ có thể làm giàu nhờ nghề rừng” – ông Trị nhấn mạnh.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Lạ ở Hải Phòng: Vợ chồng sắp cưới góp cây, xây vườn hạnh phúc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác