Print Thứ hai, 20/05/2019 19:25

Chia sẻ ý kiến bên hành lang kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phấn khởi về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm bản lề 2018 và những tháng đầu năm 2029

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Ninh Thuận, Bình Phước và Cần Thơ thảo luận tổ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 20/5, sau khi khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Chia sẻ ý kiến bên hành lang kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phấn khởi về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm bản lề 2018 và những tháng đầu năm 2029; tin tưởng đất nước sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Các đại biểu cũng kỳ vọng, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế-xã hội.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Số liệu cho thấy, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong quý 1 đã có những chuyển biến rõ nét, mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh thế giới bất ổn.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh An Giang mong muốn Chính phủ cần lắng nghe đầy đủ về tình hình kinh tế-xã hội để có những giải pháp mang tính đồng bộ, điều hành rõ hơn đối với các vấn đề vĩ mô.

Cho rằng, chủ trương tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu sẽ làm ảnh hưởng chỉ số lạm phát, gây bất lợi trong điều hành vĩ mô, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần điều hành mang tính chủ động hơn nhằm kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm vì những giải pháp vừa qua chưa thực sự tác động rõ nét.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do khối lượng doanh nghiệp trong nước chưa vượt qua được những mốc khó khăn; doanh nghiệp trong nước nhỏ, tình hình doanh nghiệp phá sản diễn biến phức tạp; doanh nghiệp mới quy mô nhỏ quá nhiều trong khi những doanh nghiệp có quy mô lớn, tác động tích cực đến nền kinh tế lại ít.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước chưa thực sự gắn kết cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển.

Phân tích những vấn đề cử tri đang quan tâm và mong Quốc hội sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, giáo dục là một trong những nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm.

Theo đại biểu, những vấn đề tiêu cực liên quan đến chất lượng giáo dục là nguyên nhân khiến dư luận bất bình; mong muốn ngành giáo dục lắng nghe và có những giải pháp thiết thực, giải quyết căn cơ. Bên cạnh đó, những vấn đề “nóng” trong xã hội như tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, quấy rối tình dục… cũng được cử tri quan tâm và mong Quốc hội đưa ra hướng giải quyết.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, nhiều Luật mang tính quyết định đến sự phát triển của đất nước trong đó có Bộ luật Lao động được cử tri rất quan tâm về những nội dung như quyết định tuổi nghỉ hưu, giờ làm việc…. sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp.

Đại biểu cho rằng luật được sửa đổi đúng hướng, phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam thì sẽ trở thành động lực to lớn cho sự phát triển đất nước.

Đánh giá việc Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp này là nội dung đặc biệt quan trọng, tạo ra nền tảng cho ngành giáo dục, đại biểu Nguyên Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng với sự phát triển lâu dài của đất nước trong thời đại 4.0, vấn đề trí tuệ, nguồn nhân lực của đất nước là rất quan trọng. Vì vậy, phát triển khoa học công nghệ cần phải coi là động lực quan trọng hàng đầu.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nhận định, năm 2019 là tiền đề trong điều hành nền kinh tế những năm còn lại của kế hoạch 5 năm. Sự phối hợp, đồng hành giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc bổ sung chính sách và triển khai Nghị quyết chưa bao giờ chặt chẽ như hiện nay. Chính vì thế, đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng, những kết quả về phát triển kinh tế-xã hội đạt được của 2018 rất đáng trân trọng.

Đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, các đại biểu cho rằng kết quả tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay rất ấn tượng; tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực.

Bàn về những biện pháp để ngân sách Nhà nước vững chắc hơn, đại biểu Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh đến vấn đề chống thất thu, chống buôn lậu, đặc biệt ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân rất quan trọng. Những năm qua, việc cơ cấu lại thị trường nông nghiệp đã đem lại kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn nhất định- đại biểu đánh giá.

Theo Báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2019 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 6,79%. Khu vực nông nghiệp tăng 2,68%, trong đó ngành thủy sản tăng 5,1%, cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,35%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%; tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2019, tăng 11,9%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Tổng thu Ngân sách Nhà nước 4 tháng 13,9%, đạt 36,7% dự toán cả năm 2019./.

Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn. Vietnam+

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỳ vọng Quốc hội sẽ giải quyết nhiều vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác