Print Thứ bảy, 26/01/2019 18:14

Sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đạt được những thành tựu vượt bậc. Mô hình điểm công nghiệp, cụm công nghiệp chính là một trong những ví dụ điển hình cho sự sáng tạo đó, dù trong quá trình thực hiện, có nhiều bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn chưa thành công cần phải đúc rút.

Nghị định mới sẽ mở cơ hội phát triển hạ tầng CCN ở Hải Phòng

Chỉ tính riêng 5 CCN đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm Quán Trữ, Vĩnh Niệm, An Lão, An Hồng và Tân Liên, tỷ lệ lấp đầy trung bình hiện đạt 94%, thu hút hơn 80 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 4,5 nghìn tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong các CCN đã đóng góp khoảng ¼ tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, góp phần tạo thêm năng lực sản xuất mới của nhiều ngành kinh tế then chốt.

Mặt khác sự hình thành các CCN không chỉ làm tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp mà còn là động lực phát triển kinh tế dịch vụ hỗ trợ phụ cận. Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng nhìn vào thực tế các CCN tại Hải Phòng, rất dễ nhận thấy sức hút khá lớn đối với lao động địa phương, theo một cán bộ ngành lao động thì con số này không dưới 300 nghìn người.

Như vậy, với những gì đã được chuẩn bị kỹ càng, Hải Phòng hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận hoàn hảo những nội dung mà Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã đề cập. Theo đánh giá chuyên môn, Nghị định 68 được xem là sẽ khắc phục hiệu những hạn chế tồn tại trước đây, với những điểm mới như: có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các cụm công nghiệp; xác định chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở những địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn; tiêu chí quy hoạch thành lập cụm công nghiệp chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, Nghị định 68 cũng phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương, các ngành và địa phương liên quan về nguyên tắc đầu mối trong quản lý.

Đáng chú ý là, Nghị định 68 đề cập đến nhiều nội dung cụ thể, nhằm tháo bỏ những vướng mắc gây mất bình đẳng giữa doanh nghiệp CCN với doanh nghiệp KCN trước đó. Gồm một số ưu đãi lớn: các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm (riêng CCN làng nghề ưu đãi miễn thuê đất 15 năm), đồng thời được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Tương tự, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp làng nghề cũng được miễn tiền thuê đất 11 năm, và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.

Sản phẩm ống nhựa đặc chủng của Nhà máy nhựa Tiền Phong tại CCN Hưng Đạo (Dương Kinh)

Nhưng quy định tương tự như vậy có ý nghĩa đặc biệt đối với các dạng hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà hầu hết xuất nguồn từ kinh tế tư nhân vốn rất yếu về nguồn nội lực. Nên có thể nói Nghị định 68 đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị TW5, nhằm khắc phục những hạn chế của kinh tế tư nhân, trong đó đã được chỉ rõ: “Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác…”.

Ngay tại Hải Phòng, trong thời gian qua có khá nhiều chính sách khác nhau về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng việc triển khai có phần chưa hiệu quả, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn, việc bố trí mặt bằng sản xuất. Với những quy định của Nghị định 68, rất có thể sẽ tạo ra làn gió mới, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng chuyển hướng đầu tư, quy tụ nhiều hơn trong các CCN, hướng tới mô hình tập trung, giảm ô nhiễm môi trường và tăng cường sự hợp tác trong khuôn khổ quản lý thống nhất.

Với ý nghĩa đó, việc UBND TP ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn thành phố Hải Phòng là một động thái hết sức kịp thời, nhằm nhanh chóng đưa Nghị định 68/2017/NĐ-CP vào cuộc sống. Theo đó, Sở Công thương Hải Phòng được giao là cơ quan tham mưu giúp UBND TP, đồng thời cũng là cơ quan đầu mối liên hệ và chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, tạo ra sức bật về cải cách hành chính đối với các doanh nghiệp trong CCN.

Nguyên tắc được xác định là: “Việc phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức liên quan và không chồng chéo nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan; đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả”. Quy chế cũng nêu rõ quy trình phối hợp phải tuân thủ cơ chế quản lý một đầu mối, “tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN”.

Tin tưởng rằng, trên cơ sở 6 nội dung phối hợp giữa Sở Công thương Hải Phòng và 13 đầu mối liên quan gồm các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, Quy chế mới sẽ tạo ra một mô hình quản lý hữu hiệu, tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển mô hình CCN Hải Phong theo hướng năng động, bền vững. Hy vọng trước mặt, trong khuôn khổ chủ đề năm 2018 “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, hiệu quả phối hợp sẽ đưa ra nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn Hải Phòng.

Đặc biệt, trong thời điểm Bộ Chính trị đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 32-NQ/TW, hướng tới ban hành một Nghị quyết chuyên đề mới về Hải Phòng, những cơ chế thích hợp nếu được đưa vào Nghị quyết mới, sẽ mở ra những đột phá cho công nghiệp Hải Phòng nói chung và mô hình quản lý, phát triển CCN nói riêng.

Hoàng Minh  – Báo an ninh Hải Phòng 17/9/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỳ vọng mới về quản lý mô hình Cụm công nghiệp: Kỳ 3-Kỳ vọng mới từ quản lý một đầu mối
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác