Kỳ vọng mới về quản lý mô hình Cụm công nghiệp: Kỳ 1-Ưu, khuyết của “đi trước, đón đầu”

Ủy ban nhân dân thành phố vừa có Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 4-9-2018 về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng (CCN). Đây là một hoạt động cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ cũng như các chính sách liên quan, về quản lý và phát triển CCN.

CCN Vĩnh Niệm góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho người lao động thời gian qua

Theo giải nghĩa tại Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP, CCN là “nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh”.

Theo khái niệm này, thì CCN khá tương đồng với mô hình Khu công nghiệp (KCN), tuy nhiên có quy mô nhỏ hơn và cũng được chế định rõ trong Nghị định 68: “diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha…”.

Mô hình CCN xuất hiện khá sớm ở Hải Phòng với định dạng ban đầu là các điểm công nghiệp, trước khi Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên là Nomura được khởi công xây dựng năm 1994, có thể nói là một trong những địa phương đi tiên phong cả nước. Tính đến nay toàn thành phố có 14 CCN đã có quyết định thành lập hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 2.277ha. Còn theo quy hoạch đang được trình phê duyệt, dự kiến đến năm 2025 thành phố sẽ có 33 CCN. Cho đến thời điểm này ngoại trừ huyện Kiến Thụy và các huyện đảo, gần như mô hình CCN đã có mặt ở khắp các địa phương của Hải Phòng.

Những năm qua, CCN đã góp phần quan trọng vào thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của thành phố như tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động… khẳng định vai trò tất yếu trong quá trình đẩy mạnh CNH-HÐH của thành phố Hải Phòng.

Sản xuất nến thơm tại CCN Hưng Đạo (Dương Kinh)

Rõ ràng việc hình thành và phát triển các CCN là bước đi tất yếu, là sự vận dụng sáng tạo của thành phố, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh trong giai đoạn phát triển cởi mở. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, quá trình phát triển với tốc độ nhanh chóng trên mọi lĩnh vực cũng khiến CCN bộc lộ những hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững.

Trước hết trên lĩnh vực quản lý nhà nước, khác hẳn với KCN được thành lập và hoạt động bằng sự điều chỉnh của các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì CCN có quy mô nhỏ hơn, được thành lập theo Quyết định của UBND TP, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trong CCN thuộc thẩm quyền của UBND TP, và các Sở, ngành, địa phương thực hiện quản lý chuyên ngành đối với các dự án này. Ưu điểm của hình thức này là tăng tính tự chủ cao cho các doanh nghiệp trong CCN, nhưng cũng vấp phải không ít nhược điểm trong suốt quá trình hoạt động mấy chục năm qua.

Đánh giá các mặt hoạt động của mô hình CCN, tại một số hội nghị về phát triển công nghiệp, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những bất cập phát sinh. Vì xuất hiện sớm nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu tập trung đồng bộ, quy hoạch hời hợt hoặc chưa tương xứng với quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng xã hội.

Ở một khía cạnh khác, việc hình thành các CCN một phần xuất nguồn từ nhu cầu cấp thiết về mặt bằng của các doanh nghiệp, hoặc nhu cầu phát triển mang tính cục bộ địa phương, tính tự phát cao hơn quy hoạch tổng thể. Không ít dự án CCN do quy hoạch yếu dẫn đến tình trạng thu hồi đất lẻ tẻ, kéo dài, gây tâm lý bất ổn ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Trong khi những công trình giao thông dân sinh bị tận dụng, nhanh chóng bị xuống cấp hoặc hư hỏng.

Một vấn đề khác cũng hết sức đáng quan tâm là môi trường tại các CCN. Thực tế cho thấy, một số CCN chỉ chăm lo đến thu hút đầu tư và phát triển hoạt động chứ chưa quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường. Bởi vậy việc vi phạm tiêu chuẩn môi trường và các cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường đã trở lên phổ biến, kiến nghị của nhân dân với các cấp ngành thành phố ngày càng nhiều. Trong 5 CCN đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Hải Phòng, cũng chỉ có 3 CCN là Vĩnh Niệm, Tân Liên A và An Hồng được đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Có thể nói trong một thời gian khá dài, tình trạng này xảy ra ở hầu hết các CCN trên địa bàn, tạo bất ổn trong định hướng phát triển bền vững, một mục tiêu quan trọng mà thành phố đang nỗ lực theo đuổi.

Trở lại với việc quản lý, trong khi các KCN trên địa bàn thành phố đều thống nhất trực thuộc Ban quản lý khu kinh tế, còn các CCN lại do các ngành, địa phương thực hiện quản lý đối với từng chuyên ngành theo cơ chế cộng quản. Bất cập này đã dẫn đến sự phân biệt, đôi khi tạo sân chơi thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bởi lẽ mô hình KCN được thụ hưởng chính sách rõ ràng, quá trình đầu tư đồng bộ trong quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kể cả các chính sách ưu đãi và công tác quản lý, hiệu quả ưu việt hơn hẳn. Như vậy giống nhau cơ bản về hình thái hoạt động nhưng CCN bị hạn chế vì thiếu một hành lang chuyên quản.

Mặt khác, việc giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị đoàn thể đối với việc thực hiện cam kết môi trường, trách nhiệm ngân sách, trách nhiệm xã hội, tranh chấp lao động và cải thiện đời sống tinh thần của người lao động tại khu vực này cũng thiếu được quan tâm.

Những bất cập liên quan đòi hỏi một sự điều chỉnh mới, cụ thể hơn để khai thác hiệu quả mô hình CCN, thực trạng Hải Phòng cũng là thực trạng chung của cả nước. Và nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành chính là hoàn thiện hơn việc quản lý, phát triển mô hình này.

                                                                                      (còn nữa)

Hoàng Minh  – Báo an ninh Hải Phòng 14/9/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More