Tết vẫn vậy, vẫn là dịp để sum họp đoàn viên, vẫn là dịp để gặp gỡ chuyện trò của những người con xa quê nay mới có dịp trở về bên gia đình, chia sẻ với nhau sau một năm lao động, học tập, vẫn là dịp để chúng ta mong ước những điều tốt đẹp cho một năm sắp tới. Tết là một dịp để đánh dấu cảm thức về thời gian, cũng là đánh thức một mùa xuân hoa trái đâm chồi của thiên nhiên. Và Tết ở một địa điểm khác, còn là những câu chuyện mừng mừng tủi tủi của những em bé không có gia đình.
Từ hồi bé xíu, khoảng 20 tháng Chạp trở ra, tôi lại theo mẹ đi tặng quà, chung vui tại làng trẻ mồ côi gần nhà, và dường điều đó như trở thành thói quen hàng năm cho đến khi nhà tôi chuyển đi chỗ khác. Cứ khi nào mẹ tôi chuẩn bị quyên góp quần áo cũ, sách vở, đồ dùng học tập, là tôi biết sắp được đến làng trẻ mồ côi, và cũng là thời điểm sắp đến Tết, đó là một phần ký ức Tết trong tôi, là những kỷ niệm và cảm xúc theo tôi suốt cuộc đời.
Những em nhỏ sống trong làng trẻ mồ côi thật hồn nhiên như những chồi cây non trực chờ mùa xuân để rồi đâm nở, tôi nhớ mãi những hình ảnh về chúng, một lũ nghịch ngợm và rất thông minh, chúng chơi với nhau cả ngày và rất đoàn kết, khác hẳn cái cảnh chí chóe tranh giành của chị em tôi hàng ngày.
Ngày đó tôi mới chỉ 4 tuổi, lần đầu theo mẹ đến thăm làng trẻ mồ côi với tâm trạng cực kỳ phấn khích, tôi có nhiều bạn bè mới với nhiều trò chơi mà ở ngoài không có. Những năm 2000 đâu có dễ kiếm mấy trò chơi mô hình như cầu tụt, xích đu, đu quay,… như bây giờ, nên mỗi lần được đi làng trẻ mồ côi đối với tôi như một lần đi chơi, hơn nữa tôi lại được kết bạn với rất nhiều bạn bè bằng lứa tuổi tôi. Có thể vì không thể chăm lo kỹ được cho từng đứa, mà đứa nào cũng tự do nô đùa, chân tay quần áo cũng đều lấm lem, khác hẳn cái cách mà mẹ tôi không hài lòng mỗi khi tôi nghịch bẩn.
Tôi nhớ y nguyên cái khuôn mặt của Tí Ti với cái răng sún và nụ cười tươi rạng rỡ, cậu bé vẽ rất đẹp và tranh của bạn ấy thường được các mẹ đóng khung treo trong nhà. Tí Ti thường vẽ nhiều người trong một bức tranh, như một bản năng của bất kỳ đứa trẻ nào. Người lớn chúng ta hay hỏi trẻ con khi vẽ: Cháu vẽ ai đây? Đây là cái gì? Đây là màu gì? Tôi cũng hay được hỏi như vậy ở nhà nên tôi cũng hỏi Tí Ti: “Cậu vẽ ai đấy?”. Tí Ti trả lời với một giọng hồn nhiên “Tớ vẽ gia đình tớ”. Đến khi tôi hỏi bố mẹ cậu đâu, Tí Ti đáp “Tớ không biết”.
Ánh mắt Tí Ti luôn rạng ngời và cậu là một đứa trẻ hay cười nhất tôi từng thấy, nhưng khi vẽ tranh về gia đình, trông cậu ẩn chứa một nỗi buồn đến lạ, tranh của Tí Ti lúc nào cũng phải có bố, mẹ, và em gái. Những đứa trẻ mồ côi cho dù có hồn nhiên và vô tư đến mấy, cũng vẫn mang trong mình những khát khao được đoàn viên, muốn có một mái nhà ngay cả trong vô thức.
Tôi rất thích thú mỗi khi được dịp theo mẹ đến làng trẻ mồ côi, vì kiểu gì cũng sẽ có những chương trình ca nhạc, gói bánh chưng, tặng quà dịp Tết cổ truyền, lì xì. Mỗi nhà trong làng trẻ, các mẹ đều chuẩn bị cành đào, cây quất, mâm ngũ quả, trang trí đèn nháy rất bắt mắt. Mọi người cùng ngồi lại với nhau để gói bánh chưng, mỗi đứa trẻ gói 1 kiểu nên cái to cái bé, cái thì vuông, cái thì méo, khá lộn xộn nhưng vui lắm, bầu không khí tất bật của cả một đại gia đình.
Rồi đến chương trình ca nhạc buổi tối, mỗi nhà đều có một tiết mục văn nghệ, các bạn hát và múa các bài hát về chủ đề mùa xuân, sum họp gia đình. Khi khoác lên mình những bộ quần áo biểu diễn tươm tất, các bạn trở thành những nghệ sĩ nhí đích thực, không còn vẻ lấm lem như ngày thường. Mỗi khi lời ca tiếng hát về gia đình cất lên, tất cả khán giả ngồi phía dưới trong đó có tôi đều nghẹn ngào thương cảm, những ca từ khi được hát bởi những đứa trẻ mồ côi, trong một không gian Tết sum họp, lại càng trở nên da diết, não nề, ẩn chứa trong đó những khát khao có một mái ấm, có cha có mẹ, có tình yêu thương gia đình. Mỗi khi ấy, tôi càng cảm thấy mình thật may mắn khi được hưởng trọn vẹn tình yêu của cả cha lẫn mẹ.
Một năm tôi chỉ được đến làng trẻ mồ côi một lần vào dịp Tết cổ truyền, cho đến khi nhà tôi chuyển đi nơi ở mới, số lần đến thăm làng trẻ cứ thưa dần và tôi không trở lại đó nữa, nhưng cảm xúc thời thơ ấu trong tôi vẫn vẹn nguyên khi nhớ về làng trẻ mồ côi. Tôi nhớ từng ánh mắt, từng nụ cười, từng cử chỉ của các bạn nhỏ, những đứa trẻ tinh nghịch nhất mà tôi từng biết, thông minh, lanh lợi, sống độc lập, bản lĩnh, kiên cường. Những đứa trẻ khi được hỏi về gia đình đều vẫn rất hồn nhiên trong sáng, với chúng làng trẻ chính là gia đình, nơi chúng có các mẹ nuôi và rất nhiều anh em lớn lên bên nhau từ nhỏ. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn cảm nhận được khát khao có một mái ấm của riêng mình, khát khao được sống trong vòng tay cha mẹ, muốn được làm nũng, muốn được cha khen khi làm việc tốt, muốn được mẹ đón mỗi khi tan trường.
Tôi cảm thấy khâm phục nghị lực sống của những đứa trẻ mồ côi, và thầm cảm ơn các mẹ trong làng trẻ đã hi sinh thanh xuân, hi sinh tự do cá nhân để chăm sóc, ươm mầm cho những mảnh đời bất hạnh, để chúng có một mái ấm cho dù có thể không đủ đầy, nhưng cũng là điểm tựa vững chắc để che chở cho các em, nuôi các em khôn lớn trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ký ức về Tết tại làng trẻ mồ côi trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Nhờ đó mà tôi có những bài học về tình yêu thương gia đình, nhờ có những cảm xúc ấy, tôi biết yêu và trân trọng gia đình mình nhiều hơn. Một mùa xuân nữa lại về, tôi thầm mong càng ngày xã hội sẽ càng phát triển hơn, sẽ có ít hơn những em nhỏ phải sống trong làng trẻ mồ côi, em nhỏ nào cũng được sống trong tình yêu thương của gia đình mình, với hạnh phúc và yêu thương đong đầy.
Thông tin tác giả:
Họ và tên: Phạm Thế Hùng
Địa chỉ: 73/66 Trung Hành, Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng
Số điện thoại: 0937648882
Giành chức vô địch Asean Cup 2024 sau 2 trận chung kết thắng Thái Lan…
Đêm 5/1/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…
Số liệu kết quả kinh doanh của 3 “ông lớn” ngành viễn thông Viettel, MobiFone,…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 5/1/2025 về chủ…
Chiều ngày 5/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có báo cáo…
8 giờ 40 phút ngày 5-1, tại trục đường 405 địa phận thôn Hòa Liễu,…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More