Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:09

Tuy không phải là lực lượng đấu tranh trực diện với tội phạm, chẳng mấy khi được “xướng tên” nhưng hành trình ghi dấu chiến công phá án đều có dấu chân thầm lặng của những người lính Kỹ thuật hình sự (KTHS). Bất kể ngày hay đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, hễ có lệnh là họ lại lập tức lên đường. Khách quan, chính xác, tỉ mỷ và toàn diện, bằng tinh thần trách nhiệm và kỹ năng nghiệp vụ, binh chủng đặc biệt này được xem như “chìa khóa” mở ra sự thật các vụ án.

Thực hiện xét nghiệm, giám định mẫu vật tại Phòng kỹ thuật hình sự phục vụ cơ quan điều tra (ảnh: Phan Tuấn)

“Bắt” dấu vết phải lên tiếng

Kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm hoặc bị hại… Chính vì vậy, bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, công tác khám nghiệm hiện trường là bước đi đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng. Cùng với các đồng nghiệp khác, lính KTHS là những người có mặt tại địa điểm xảy ra vụ việc sớm nhất để thu thập và khai thác một cách triệt để các dấu vết, vi vết mà nghi phạm bỏ lại, nhằm phục vụ công tác truy tìm danh tính thủ phạm.

Việc tiếp cận hiện trường càng nhanh càng có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện, bảo toàn dấu vết nhất là các loại dấu vết có giá trị truy nguyên như: dấu vết công vụ, dấu vết đường vân, dấu vết sinh học (AND) hay nguồn hơi. Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể nhanh chóng lần tìm được dấu vết bởi có nhiều vụ việc, hiện trường gần như bị xáo trộn buộc những người lính KTHS phải vận dụng những kinh nghiệm của mình để thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ được nguyên nhân, giúp cơ quan điều tra phá án thành công.

Trung tá Vũ Xuân Thắng – Đội trưởng Đội khám nghiệm hiện trường, phòng KTHS – CATP chia sẻ, đối với anh em trong Đội, việc phải trực, nhận lệnh xách vali đến hiện trường hay tiếp xúc trực tiếp với xác chết vào bất kể thời điểm nào là chuyện thường tình. Có những ngày, anh em phải tham gia nhiều hiện trường, chia thành nhiều mũi, thậm chí nhiều khi còn chưa xong vụ này đã phải “lên dây cót tinh thần” tiếp tục bắt tay vào vụ mới.

Bên cạnh đó, toàn Đội còn phải trực tiếp giám định hàng trăm yêu cầu về pháp y tử thi, dấu vết sinh vật, dấu vết đường vân; phối dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định tình huống nhiều vụ việc theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Công việc vừa thường xuyên, đột xuất, bất ngờ lại liên quan đến nhiều yếu tố độc hại, với nhiều ràng buộc, định kiến xã hội nhưng anh em toàn đội vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Các chiến sỹ Phòng kỹ thuật hình sự lấy mẫu giám định phục vụ chuyên án triệt phá ổ nhóm buôn bán ma túy (ảnh: Phan Tuấn)

Nhớ lại công tác khám nghiệm hiện trường trong vụ án mạng kép xảy ra vào ngày 27-7, tại địa bàn Lê Chân và Hồng Bàng, Thượng úy Hoàng Văn Lương – Đội phó cho biết, khoảng 6h sáng, ngay khi nhận được thông báo trên địa bàn 2 quận trên xảy ra 2 vụ trọng án nghiêm trọng, các CBCS trong đội được chia làm hai mũi lập tức xuống hiện trường. Nạn nhân là bà N.T.X, ở phố Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng và anh  N.V.H, ởphố Đình Đông, quận Lê Chân.

Từ những dấu vết, vật chứng thu thập được cùng việc so sánh mức đồ trùng khớp thương tích để lại trên người hai tử thi, anh em trong Đội rất nhanh nhạy đánh giá ngay đây là vụ án mạng kép do cùng một đối tượng gây ra. Hắn là Đàm Văn Hiếu, sinh 1983, ở số 24/23 Chợ Hàng, phường Đông Hải, quận Lê Chân đã bị bắt ngay sau đó khi đang lẩn trốn trong phòng 703 khách sạn Vân Trang, ở số 299 Nguyễn Công Hòa, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân.

Gần đây nhất là vụ việc tóm gọn đối tượng Chu Việt Phú, sinh 1995, ở tổ dân phố Kiến Thiết, phường Tràng Minh, quận Kiến An, hung thủ sát hại bà Ngô Thị N., chủ quán karaoke Minh Tùng, ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão. Trước đó, vào lúc 20h10 ngày 14-8, nhận được tin báo bà N. chết trong tư thế cơ thể có nhiều vết thương do bị đâm, chém, anh em nhanh chóng đường làm nhiệm vụ. Công tác khám nghiệm hiện trường khi đó khá bất lợi do trời đã về đêm, hiện trường đã có sự xáo trộn nhất định. Tuy nhiên, cán bộ phòng KTHS đã không bỏ sót một dấu vết nào, từ việc phân tích, thu thập các dấu vết tại hiện trường, các CBCS xác định đối tượng gây án là người có quen biết với nạn nhân. Nhận định chính xác đó đã giúp Cơ quan điều tra khoanh vùng, tóm gọn hung thủ chỉ sau vài giờ khi vụ trọng án xảy ra.

“Chìa khóa” mở những vụ án

Để một vụ án được khám phá thành công, bên cạnh công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khâu giám định các tang vật, vật chứng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đối với những lính KTHS có lẽ giám định ma túy là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất đối với họ. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Hải Phòng được coi là một địa bàn trọng điểm về ma túy, hầu hết các loại ma túy xuất hiện ở Việt Nam đều rất nhanh có mặt tại Hải Phòng để tiêu thụ.

Các chất này có thể ẩn mình trong các dạng tồn tại khác nhau như lá khát, nấm thần, ruốc gà… hoặc  được trang bị một cách tinh đánh lạc hướng cơ quan chức năng như được đóng gói dạng trà sữa, cà phê, đông trùng hạ thảo, túi chè và mới đây nhất là ngụy trang trong các quả bưởi để vận chuyển. Kết quả giám định chính là bằng chứng buộc tội hay gỡ tội cho các nghi phạm, vì vậy, với bất cứ mẫu giám định nào, các cán chiến sỹ giám định tại đơn vị đều thực hiện đúng quy trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót dù là nhỏ…

CBCS phòng KTHS đang tiến hành xét nghiệm, giám định mẫu vật (ảnh: Phan Tuấn)

Chia sẻ về những khó khăn ấy, Thiếu tá Phạm Văn Bình  –  Đội trưởng Đội giám định Hóa, Ma túy và kỹ thuật pháp lý, phòng KTHS tâm sự, công việc giám định vô cùng khó khăn, vất vả do luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nghề nghiệp. Đó là khi tiếp xúc với các đối tượng trong cơn “phê” hay vã thuốc, chúng không còn đủ tỉnh táo để làm việc, thường xuyên có những lời nói thô tục hay đe dọa, manh động nguy hiểm.

Rồi nữa, anh em luôn phải tiếp xúc với hóa chất, các mẫu ma túy độc hại, phức tạp; những mẫu nước tiểu của những con nghiện có chứa mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm buộc phải tách chiết, biệt lập các chất ma túy để có thể xác định được cụ thể đó là chất ma túy nào và đưa ra kết luận. Ngoài ra, các giám định viên trong Đội còn trực tiếp xuống hiện trường tiếp cận, tham gia vào khám xét, phân loại các dạng chất nghi là ma túy, đồng thời tham mưu cho cơ quan điều tra các biện pháp nghiệp vụ để có thể truy nguyên đối tượng liên quan đến vụ án…

Thiếu tá Phạm Văn Bình cũng cho biết thêm, “xương” nhất trong công tác giám định là các vụ án liên quan đến việc sản xuất làm giả các viên thuốc lắc, nhằm trục lợi. Thủ đoạn của các đối tượng này rất ma quái, chúng thường lấy các chất tạo màu, nguyên liệu tạo độ rắn chắc cho viên nén và bất kì chất nào có khả năng tạo ra sự kích thích cho con người rồi dập thành viên với những logo bắt mắt, giống y chang các viên ma túy thật. Bởi vậy, việc tách chiết, giám định mẫu vật là vô cùng phức tạp, tốn khá nhiều thời gian và buộc các giám định viên phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại mới có thể đưa ra kết luận chính xác được.

Bằng sự thông minh, nhạy bén trong công tác giám định Hóa, Ma túy và Kỹ thuât pháp lý, các CBCS phòng KTHS đã có nhiều trận đánh đẹp, tạo nên dấu ấn không thể phai mờ. Đó là vụ việc bắt quả tang và khám xét đối với Ngô Trắc Hiệp (SN 1965, ở Nghĩa Xá, Lê Chân) vận chuyển trái phép ma túy. Nhờ  tiến hành giám định khẩn trương, Đội giám định Hóa, Ma túy và Kỹ thuật pháp lý xác định tang vật thu được tại hiện trường xác định 60 bánh chất bội là Heroine, 8 cục tinh thể loại Methamphetamine, 2 túi đựng các viên nén logo WY loại Methamphetamine. Qua đó chuyên án được phá một cách nhanh chóng.

Trường hợp khác là vụ Nguyễn Văn Thế, sinh 1993, ở Kênh Dương, Lê Chân, tàng trữ trái phép chất ma túy. Theo đó, ngay khi tiếp nhận mẫu giám định là 29 gói nilon màu tím, vỏ ngoài in dòng chữ “VIP CHINESE TEA GIFT” có mùi thơm của trà sữa từ CAQ Lê Chân, giám định viên đã khẩn trương tiến hành giám định các mẫu vật.

Mặc dù mất khá nhiều thời gian, song bằng tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, các giám định viên đã xác định 29 gói trà sữa trên có trọng lượng 853,22g đều chứa thành phần chất ma túy Ketamine và MDMA, có nguồn gốc từ nước ngoài, có hình thức, mẫu mã bắt mắt giả dạng dưới vỏ bọc bên ngoài là những gói đồ uống, giải khát phù hợp với giới trẻ nhưng thực chất gây nghiện và cảm giác ảo cho người sử dụng. Nhờ đó, lực lượng công an đã xác định được phương thức hoạt động mới của loại tội phạm ma túy trong và ngoài nước, cũng như triệt phá thành công đường dây buôn bán loại hàng cấm này.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, đội ngũ những người lính KTHS – CATP thực sự là “chìa khóa vàng” cho những chiến công phá án. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 2310 trường hợp trưng cầu, yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trên 10 lĩnh vực giám định. Trong đó, tập trung vào khám nghiệm hiện trường 162 vụ, giám định hóa học 528 vụ, giám định kỹ thuật 1386 vụ. Cả “núi công việc” đầy vất vả, khó khăn, nguy hiểm đó đã được đền đáp bằng các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật nhanh chóng được làm sáng tỏ, góp phần giữ vững ANTT, mang đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Hải Ngân – An ninh Hải Phòng 21/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỹ thuật hình sự: “Chìa khóa vàng” cho những chiến công
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác