Print Thứ Ba, 18/05/2021 13:53 Gốc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, với chín lần về thăm và đã dành tặng thành phố Hải Phòng danh hiệu “trung dũng, quyết thắng”.

Hơn 50 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã lập nhiều chiến công vẻ vang, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hải Phòng luôn giữ vững là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong các phong trào, luôn dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, biết đổi mới và tìm ra cái mới…

* Mở rộng không gian đô thị

Từ thành công và bài học thực tiễn trong các chặng đường đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới, Hải Phòng hôm nay đang được xây dựng, phát triển hiện đại, gấp hơn nhiều lần trước đây, theo như lời căn dặn của Bác trong Di chúc.

Một góc thành phố Hải Phòng ngày nay. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Hải Phòng không ngừng đổi mới, sáng tạo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực tập trung phát triển đột phá hạ tầng giao thông, đô thị. Khu vực trung tâm thành phố đã hình thành nhiều khu đô thị mới, hiện đại phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng.

Thành phố đã hoàn thành việc chỉnh trang toàn bộ dải trung tâm, mở rộng sông Tam Bạc, xây dựng, mở rộng một số công viên cây xanh, nhiều công trình phúc lợi công cộng. Chương trình xây dựng lại các chung cư cũ, việc cải tạo, nâng cấp hè đường, ngõ phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển vượt bậc. Tổng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này 5 năm qua đạt 43.886 tỷ đồng, đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng 46 cây cầu các loại, trong đó có nhiều cây cầu lớn, với tổng chiều dài 23 km; hoàn thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại trong nội đô, làm thay đổi rõ nét hạ tầng giao thông thành phố.

Giai đoạn 2021-2030, Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng hơn 100 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng; trong đó xây 100 cầu vượt sông, 13 cầu cạn, 13 cầu trên đường vành đai.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, để tạo không gian xanh trên toàn thành phố, năm 2021, Hải Phòng tập trung đầu tư 21 công viên với tổng mức đầu tư 478 tỷ đồng.

Trong đó, thành phố đã động thổ xây dựng công viên cây xanh tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng và đã thống nhất triển khai xây dựng 67 công viên trong giai đoạn 2021-2022 tại các phường với tổng mức đầu tư khoảng 1.941 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách quận.

Cũng trong năm 2021, Hải Phòng tập trung cải tạo hè phố đối với 6 tuyến đường trung tâm thành phố, bao gồm việc hạ ngầm toàn bộ phần cáp viễn thông và đường điện. Hiện nay, đã triển khai và cơ bản hoàn thành tại tuyến đường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng.

Trên cơ sở thí điểm, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án cải tạo, chỉnh trang hè đường với khoảng 300 tuyến đường trên địa bàn các quận với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng.

Cùng đó, Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư mới thay thế các chung cư cũ, phấn đấu hoàn thành chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình, đưa vào sử dụng vào quý I năm 2022; tập trung công tác chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng khu chung cư Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền; đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, các cầu lớn vượt sông; các khu công nghiệp, bến cảng nước sâu và hạ tầng du lịch tại đảo Cát Bà mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Tại cuộc làm việc mới đây với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã đánh giá, Hải Phòng đã thực sự là địa phương phát triển năng động, đổi mới, đứng tốp đầu cả nước.

Với việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị khóa IX và ban hành Nghị quyết 45 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những định hướng rất quan trọng cho Hải Phòng có thể tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

* Hướng ra phía biển

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tầm quan trọng của Hải Phòng với vị thế là “Cảng lớn nhất của Bắc Kỳ“, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế, là một trung tâm công nghiệp của miền Bắc và cả nước.

Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

Khắc ghi lời dạy của Người, Hải Phòng tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu, đó là công nghiệp công nghệ cao, du lịch-thương mại, cảng biển-logistics.

Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Hải Phòng có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức. Chính từ sự đồng bộ về giao thông này, nhiều nhà đầu tư đã chọn Hải Phòng để xây dựng các bến cảng biển lớn.

Tiên phong trong hành trình tiến ra phía biển phải kể tới Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân. TC-HICT quản lý, khai thác bến số 1 và số 2 tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Hải Phòng, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2018.

Theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TC-HICT, từ khi đón container đầu tiên vào Cảng làm hàng ngày 13/5/2018 cho đến nay, TC-HICT đã trải qua nhiều bước phát triển vượt bậc, cảng có thể tiếp nhận tàu container sức chở 12.000 TEU, trọng tải 132.000 DWT vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Ngoài ra, các hãng tàu cũng tin tưởng chọn TC-HICT là nơi đưa các con tàu có trọng tại lớn chạy trên các tuyến dịch vụ Nội Á về cảng làm hàng.

Cùng tiến ra phía biển, ngày 12/5 vừa qua, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng) cũng đã tổ chức lễ khởi động dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện).

Dự án do Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/1/2019, với mục tiêu đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng để phục vụ từng bước di dời Khu bến cảng Hoàng Diệu; đảm bảo phát huy truyền thống lịch sử của Cảng Hải Phòng và phát triển trong tương lai có tính cạnh tranh lâu dài của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.

Ông Nguyễn Tường Anh, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết, quy mô đầu tư, các hạng mục chính của dự án gồm: Xây dựng 2 bến container số 3 và số 4 với tổng chiều dài 750m, rộng 50m, cho cỡ tàu đến 160 teus (khoảng 3.000DWT) với tổng chiều dài 250m (gồm cả 50m bề rộng của bến chính), rộng 15m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47ha.

Dự án dự kiến hoàn thành bến số 3 vào năm 2023 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2024, vượt 1 năm so với kế hoạch.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 299/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn HATECO. Về quy mô, dự án đầu tư xây dựng hai bến với chiều dài 750m (mỗi bến dài 375m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); một bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất khoảng 47ha.

Với sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ của các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, hệ thống cảng biển Hải Phòng bước sang một trang sử mới, đón thêm những con tàu có sức chở ngày càng lớn, ghi dấu ấn của Hải Phòng trên bản đồ các Cảng trung chuyển quốc tế của khu vực và trên thế giới, góp phần cắt giảm thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và chi phí logistics cho các doanh nghiệp, mở rộng thêm cánh cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các Khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam…

Có thể nói, những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã đưa thành phố này vươn tầm cao mới. Đặc biệt tại thời điểm này, Hải Phòng đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Quý I/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 13,22%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,29% so với cùng kỳ (kế hoạch tăng 17%); thu ngân sách Nhà nước đạt trên 30.255 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa đạt trên 11.179 tỷ đồng, bằng 42,5% dự toán Trung ương giao và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020; thu hải quan đạt trên 18.162 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 44,07 triệu tấn, tăng 13,03% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 1.123 triệu USD, gấp 4,06 lần so với cùng kỳ năm 2020, bằng 44,95% kế hoạch./.

Đoàn Minh Huệ/TTXVN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hải Phòng năng động, đổi mới như Bác hằng mong
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác