Print Chủ Nhật, 28/07/2019 22:16

Trong những ngày này, trên khắp cả nước, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam tổ chức hàng nghìn hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để công nhân viên chức lao động thành phố ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trong suốt quá trình 90 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời cũng là dịp để cán bộ Công đoàn thành phố các thời kỳ nhìn lại chặng đường tham gia đóng góp công sức, trí tuệ cùng tổ chức Công đoàn tham gia bảo vệ và kiến thiết xây dựng thành phố.

Chặng đường hình thành, cùng nhau vượt khó

Từ cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp tiến hành đô thị hóa và đầu tư tư bản, vùng đất Ninh Hải nhanh chóng trở thành một thành phố cảng, một trung tâm kỹ nghệ, thương mại dịch vụ lớn nhất Bắc Kỳ. Cùng với quá trình đó, một lực lượng lao động lớn, chủ yếu là nông dân, ngư dân, thợ thủ công từ các tỉnh miền Bắc hội tụ về hình thành đội ngũ thợ thuyền. Hải Phòng sớm trở thành một trong những “cái nôi” ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1928, các tổ chức Công hội đỏ đầu tiên của Hải Phòng xuất hiện ở Cảng, nhà máy Xi măng, Máy Tơ, Máy Chai, Điện Cửa Cấm, Cơ khí Carông… đã tập hợp hàng trăm hội viên tham gia.

Tuy mới ra đời nhưng Công hội đỏ ở Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, đã tổ chức nhiều cuộc bãi công với nhiều hình thức và quy mô và giành nhiều thắng lợi, đem lại nhiều lợi ích cho người lao động và cho phong trào đấu tranh chung của thành phố Hải Phòng. Nhiều lãnh tụ của Đảng và tổ chức công đoàn đã trưởng thành từ phong trào công nhân Hải Phòng như các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Công Hòa,…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Công hội đỏ, công nhân Hải Phòng luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng sôi nổi và góp phần quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, một bộ phận công nhân lao động Hải Phòng trực tiếp cầm súng đánh giặc, lên chiến khu lập công binh xưởng, những người ở lại tiếp tục đóng góp cho kháng chiến. Tổ chức Công đoàn thành phố đã làm tốt vai trò vận động đoàn viên, công nhân lao động đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kinh tế với địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề và làm thất bại âm mưu cướp phá máy móc, cưỡng ép công nhân, lao động di cư vào Nam, góp sức bảo vệ cơ sở Đảng, cơ sở kháng chiến.

90 năm qua là chặng đường lịch sử vẻ vang của Công đoàn Việt Nam. Với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ, giai đoạn 1929 – 1935; Nghiệp đoàn ái hữu, giai đoạn 1936 – 1939; Hội công nhân phản đế, giai đoạn 1939 – 1941; Hội công nhân cứu quốc, giai đoạn 1941- 1946; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 1946- 1961; Tổng Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 1961- 1988 và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào của đất nước, dù chiến tranh hay hòa bình; dù khó khăn hay thuận lợi, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành trao Cờ thi đua của Chính phủ và Bức trướng của Thành ủy Hải Phòng tặng Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Đoàn kết đối mới phát triển vững mạnh

Kháng chiến thắng lợi, công nhân Hải Phòng bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục sản xuất. Lực lượng công nhân viên chức lao động ngày càng đông đảo hơn. Tổ chức Công đoàn được xây dựng từ thành phố đến các xưởng máy, khu phố, huyện, thị. Nội dung hoạt động ngày càng phong phú đã đóng góp rất to lớn vào công cuộc xây dựng CNXH và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới sự chỉ đạo của Công đoàn thành phố, đông đảo công nhân viên chức lao động đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sáng tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, đồng thời sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ thành quả CNXH ở miền Bắc, tích cực chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong các phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp như: Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, lao động sáng tạo, phong trào tổ đội XHCN, phong trào thi đua liên kết phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới… đã xuất hiện những nhân tố điển hình, tiêu biểu là Nhà máy cơ khí Duyên Hải – lá cờ đầu của ngành công nghiệp Việt Nam toàn miền Bắc trong những những năm sáu mươi của thế kỷ XX; Tổ đá nhỏ Ca A, con chim đầu đàn của phong trào tổ đội lao động XHCN; Tổ đèn biển Nam Triệu, Tổ in bao xi măng,… mãi mãi còn in đậm trong trang sử vẻ vang đáng tự hào của phong trào công nhân viên chức lao động và công đoàn thành phố Cảng “Trung dũng – Quyết thắng”. Nhiều gương lao động điển hình trong các lĩnh vực vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động, danh hiệu Anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc và nhiều danh hiệu  cao quý khác.

Trong 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động thành phố vẫn kiên định lập trường quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, của tổ chức công đoàn trong điền kiện mới; phát huy tốt vai trò là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước và quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện tốt công các giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền các cấp vững mạnh; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong kháng chiến và  anh hùng, xung kích trong lao động sản xuất, các cấp Công đoàn thành phố luôn chủ động phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”… thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động tham gia tạo thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, xuất hiện nhiều công nhân trực tiếp sản xuất có đề tài, sáng kiến… đã tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao thu nhập của người lao động.

Năm 2019, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam và thực hiện chủ đề:“Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”” của thành phố, chủ đề năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, các cấp công đoàn thành phố đã đăng ký thực hiện hàng trăm công trình, sản phẩm sáng tạo với tổng giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Các hoạt động an sinh xã hội, hướng về đoàn viên, người lao động được quan tâm, đẩy mạnh nhân dịp “Tết sum vầy năm 2019”; triển khai sâu rộng chương trình “Phúc lợi đoàn viên”…

Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 29 CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn thuộc công đoàn Trường Đại học Hải Phòng, Liên đoàn Lao động quận Hồng Bàng và công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng số tiền là 620 triệu đồng.

Đặc biệt hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam, được sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay từ đầu năm 2019, công trình Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh – Chủ tịch Tổng Công hội đỏ đầu tiên, Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng được khánh thành với quy mô khang trang, to đẹp trên diện tích hơn 30.000m2. Công trình thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam, của nhân dân thành phố Hải Phòng và tổ chức công đoàn cả nước tri ân các vị tiền bối cách mạng đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “xanh – sạch – đẹp, an toàn vệ sinh lao động”, “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động. Qua đó đã khẳng định được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của đất nước.

Có thể khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành với sự phát triển của đất nước, Công đoàn Việt Nam đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhân dân.

V.H.N

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam: Chặng đường tham gia bảo vệ và dựng xây thành phố
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác