Print Thứ Hai, 24/10/2022 10:45 Gốc

Cách đây 74 năm (25/10/1948-25/10/2022), sự kiện “phá tề trừ gian” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Thủy Nguyên. 74 năm qua, phát huy truyền thống “Thủy Nguyên quật khởi”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủy Nguyên đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Nông thôn mới hiện đại, tiệm cận tiêu chí đô thị

Từ năm 2011, cùng với cả nước và thành phố, huyện Thủy Nguyên bước vào thực hiện xây dựng NTM, một trong nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn huyện trong giai đoạn 2011-2022. Khi bắt đầu thực hiện, huyện gặp không ít khó khăn, thách thức khi nguồn lực đầu tư hạn chế trong khi số lượng công trình cần đầu tư lớn, nhất là xuất phát điểm của phần lớn các xã thấp, bình quân toàn huyện mới đạt 6,8/19 tiêu chí/xã. Được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Trung ương, thành phố, Huyện ủy-HĐND-UBND huyện thống nhất lựa chọn đưa nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu vào chủ đề hành động của năm 2011 và giữ nhiệm vụ này liên tiếp các năm từ 2013 đến nay. Để xây dựng NTM thành công, huyện phát động phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM với 2 giai đoạn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó, lấy người dân là chủ thể, phát huy hiệu quả cao chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Với cách làm này, sau hơn 10 năm thực hiện, xây dựng NTM thực sự trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, huyện sớm đạt được mục tiêu chương trình đề ra khi đến cuối năm 2019, 35/35 xã đạt chuẩn MTM; cuối năm 2020, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Bộ mặt NTM của Thủy Nguyên đổi mới toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có những chuyển biển vượt bậc, hiện đại hóa theo hướng đồng bộ, khang trang, từng bước đưa Thủy Nguyên trở thành địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ hiện đại, trở thành bước đệm vững chắc để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai. Đến nay, gần 60 km đường huyện, 304km đường trục xã, liên xã được cải tạo, nâng cấp, đạt tiêu chuẩn cấp 4 đồng bằng trở lên; gần 845km đường thôn, ngõ xóm được kết nối đồng bộ, thông suốt…; 35/35 xã có các điểm vui chơi, giải trí, nhà văn hóa trung tâm với hội trường đa năng đạt chuẩn; 117/117 trường học đạt chuẩn… Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp dịch vụ; riêng ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị…

Đường tỉnh 359 sau khi được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: HÀ TRUNG.

Thúc đẩy kinh tế phát triển

Song song với nhiệm vụ xây dựng NTM, GPMB là nhiệm vụ trọng tâm liên tục được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đưa vào chủ đề hành động của 7 năm, từ 2016 đến nay. Trong 7 năm từ 2015 đến 2021, huyện thực hiện GPMB 70 dự án, tổng diện tích thu hồi 1.464,5ha của 13.877 lượt hộ dân và 45 tổ chức. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như: Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng; hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; đầu tư cải tạo đường tỉnh 359; cải tạo, nâng cấp đường Máng Nước; dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh; đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ; khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên… 9 tháng năm 2022, huyện thực hiện GPMB đối với 24 dự án.

Ðể bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo GPMB, UBND huyện cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện các dự án. Hằng tuần, tháng, quý, Ban Chỉ đạo tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo ngành, lĩnh vực phụ trách để đánh giá tiến độ triển khai; bổ khuyết, xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị tham gia; thành lập các tổ vận động của huyện, xã, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về bồi thường đến từng hộ dân, từ đó, tổng hợp những ý kiến, vướng mắc của người dân để kịp thời có biện pháp giải quyết. Việc triển khai thu hồi đất, bồi thường GPMB luôn bảo đảm phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, quy chế dân chủ được đặt lên hàng đầu. Quy hoạch, chủ trương thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ đều được công khai đến sâu rộng các tầng lớp nhân dân; quá trình kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức được giao làm nhiệm vụ bồi thường, các phòng ban chuyên môn của huyện, xã, sự tham gia của cán bộ thôn, khu dân cư nơi có đất bị thu hồi và chủ sử dụng đất. Trước khi phê duyệt phương án, huyện lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi, giải quyết các thắc mắc, kiến nghị. Huyện cũng thường xuyên kiện toàn tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường là Trung tâm Phát triển quỹ đất, cơ quan giúp việc cho UBND huyện trong công tác GPMB các dự án.

Nhờ đó, giai đoạn 2015-2021 huyện GPMB 1.076ha bàn giao cho chủ đầu tư; 9 tháng năm 2022, hoàn thành GPMB 70,2/120ha theo kế hoạch, đặc biệt, hoàn thành một số dự án trọng điểm như: Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm; nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 359, 2 dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội huyện nói riêng, thành phố nói chung. Trong đó, dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm được thực hiện từ tháng 4/2017, đến nay thu hồi 306,1ha (170ha đất nông nghiệp của 1.488 hộ và 30ha đất ở, đất có nhà ở của 1.350 hộ dân, diện tích đất của tổ chức 33ha và đất khác 73ha); dự án được bố trí 4 khu tái định cư với tổng diện tích 60,0ha, bố trí giao đất cho 1.688 hộ; dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 359 được thực hiện từ năm 2019, qua địa bàn 9 xã và 1 thị trấn với chiều dài 13,25km, tổng diện tích đất thu hồi 42,68ha, công tác GPMB liên quan đến 4 tổ chức và 2.828 hộ dân. Kết quả công tác GPMB đạt được góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của huyện tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội dược đầu tư và phát triển; nhiều công trình, dự án trọng điểm được xây dựng, đi vào hoạt dộng phát huy huy hiệu quả; tốc độ đô thị hoá nhanh, công tác an sinh xã hội được bảo đảm.

Tiếp nối truyền thống Thủy Nguyên quật khởi, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần toàn diện cho nhân dân, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành công tác GPMB các dự án; thực hiện NTM kiểu mẫu, đến trước năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gắn với xây dựng đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chí đô thị; huyện đạt tiêu chí đô thị hướng đến xây dựng Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố.

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 của huyện là hơn 9.260 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố, huyện, xã là 2.309 tỷ đồng; vốn tín dụng 3.818 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 1.391 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 1.741 tỷ đồng. Chỉ tính riêng “Chương trình hỗ trợ xi măng của thành phố“; từ năm 2013 đến nay, trên cơ sở 92.000 tấn xi măng được thành phố công trợ, nhân dân Thủy Nguyên đóng góp trên 1.741 tỷ đồng (bao gồm: hiến tặng trên 2,9ha đất ở, 20,9ha đất nông nghiệp, hơn 1,5 triệu ngày công, 117,27 tỷ đồng giá trị tài sản vật kiến trúc và trên 833,9 tỷ đồng để mua vật tư cát, đá) xây dựng 696,6km đường giao thông./.

Nguyễn Huy Hoàng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Thủy Nguyên quật khởi (25/10/1948-25/10/2022): Phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng thành phố Thủy Nguyên trước năm 2025
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác