Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, nhân dân ta đoàn kết, kiên cường lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật giành độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945. Tình thế lúc ấy thật muôn vàn khó khăn như ngàn cân treo sợi tóc. Hệ thống đế quốc, thực dân được bọn tay sai bán nước giúp đỡ, muốn tiêu diệt mắt xích dân tộc dân chủ đầu tiên ở châu Á. Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu 1945 cướp đi sinh mạng hơn 2 triệu dân ta ở Bắc Kỳ và các tỉnh miền Bắc Trung Kỳ. Trận lụt lớn tàn phá mùa màng, nhà cửa của nhân dân đồng bằng sông Hồng.
Hải Phòng luôn đi đầu trong các phong trào thi đua làm theo lời Bác.
Trong ảnh: Cảng Đình Vũ. Ảnh: Duy Thính
Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vững tin ở truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, truyền thống văn hóa đoàn kết thân ái của đồng bào ta. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. 8 ngày sau, ngày 19-6-1948, Người dự lễ kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến, nhân ngày này, Người tổ chức Lễ phát động thi đua ái quốc rộng rãi. Nhận rõ vai trò quan trọng của việc tổ chức thực hiện nên Người mời người có nhiều kinh nghiệm và xốc vác Hoàng Đạo Thúy đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Ban Thi đua Trung ương.
Người cụ thể hóa nhiệm vụ của mọi tầng lớp nhân dân: già, trẻ, trai, gái. Nhiệm vụ chính của Đội lão dân quân là phải tổ chức quy củ, thiết thực, nhằm vào 3 điểm chính: quân sự, kinh tế, văn hóa. “Nhiệm vụ chính của Đội lão dân quân là làm cho phong trào thi đua ái quốc sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, bền bỉ” (trích Thư gửi Đội lão dân quân huyệnNamĐàn ngày 17-2-1949). Đối với thiếu niên, nhi đồng, Người động viên, biểu dương thành tích các em sốt sắng thi đua ái quốc. “Các cháu thực xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản, thật xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trong thư gửi cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, Người căn dặn: Giáo dục nhi đồng là một khoa học, cần dạy cho các cháu biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời, phải giữ vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, trẻ trung của mình”.
Với cán bộ, Người có nhiều bài viết, dặn đi dặn lại, phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, việc gì cũng phải xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong. Không được “vô kỷ luật, vô chính phủ, địa phương chữ nghĩa, trái nguyên tắc, mà phải “tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí” (XYZ Báo Sự thật, số 137). Đồng thời, “phải chữa bệnh quan liêu, phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân; phải thật thà thực hành phê bình, tự phê bình, phải làm kiểu mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (XYZ Báo Sự thật, số 140).
“Khắc cốt, ghi tâm” lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hải Phòng xây dựng được nhiều điển hình tiên tiến: Nhà máy cơ khí Duyên hải, Tổ đá nhỏ ca A (Nhà máy xi măng), Trường phổ thông cấp 2 An Tiến (xã An Tiến), Trường Đoàn Kết (Trường THPT chuyên Trần Phú) với phương châm “Học đi đôi với hành”, xã phát triển toàn diện Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên). Đặc biệt, Nhà máy cơ khí Duyên Hải là một trong 4 điển hình tiên tiến của cả nước: Sóng Duyên Hải (Hải Phòng), gió Đại Phong (tỉnh Quảng Bình), cờ Ba nhất (trong quân đội), trống Bắc Lý (tỉnh Hà Nam).
Những lời giáo huấn chí lý, chí tình của lãnh tụ thiên tài của dân tộc 70 năm qua được nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt tình và trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động phong trào thi đua.
Nhân dân ta luôn vững tin lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác mãi mãi là bó đuốc soi đường để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng) – Báo Hải Phòng 30/5/2018