Bằng những chính sách thiết thực ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), những năm gần đây, ngành thủy sản của Hà Nội đã đạt được những kết quả rõ rệt, tăng cả chất và lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Mô hình nuôi ếch tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phương Nga
Tăng cả chất và lượng
Hà Nội có tiềm năng lớn về NTTS với tổng diện tích mặt nước 30.840ha. Tính đến hết năm 2018, diện tích đưa vào NTTS của Hà Nội là 22.400ha, sản lượng đạt 115.000 tấn, tăng 14,7% so với năm 2015 (100.261 tấn); năng suất trung bình đạt 5,1 tấn/ha. Cá biệt, tại các vùng NTTS tập trung, năng suất trung bình đạt 10 – 12 tấn/ha.
Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng cá tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước với ngành thủy sản. Để ghi nhớ sự kiện này, năm 1979, ngành thủy sản đã chọn ngày 1/4 hàng năm làm ngày truyền thống của ngành. Ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 173/1995/QĐ-TTg tổ chức ngày truyền thống ngành thủy sản 1/4 hàng năm để động viên và giáo dục tinh thần yêu ngành nghề trong cán bộ, công nhân viên và ngư dân ngành thủy sản.
Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, TP đã chủ động đưa những giống mới, năng suất vào canh tác, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, nhiều mô hình cho hiệu quả cao như mô hình nuôi cá chép lai, với năng suất đạt 12 tấn/ha, lợi nhuận 150 triệu đồng/ha; thị trường tiêu thụ rộng, đầu ra ổn định, năng suất tăng hơn 4 tấn/ha so với nuôi thâm canh thông thường.
Công nghệ nuôi thâm canh mang lại hiệu quả và áp dụng rộng rãi tại nhiều vùng NTTS, trong đó phải kể đến mô hình “sông trong ao”, là mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá của Isarel, với bể nuôi có thể tích 250m3 có thể đạt năng suất 25 – 30 tấn/năm, lợi nhuận thu được từ 200 – 300 triệu đồng/bể. Là mô hình có nhiều ưu điểm như dễ dàng kiểm soát môi trường, bệnh cho động vật thủy sản, kiểm soát chất lượng sản phẩm…
Song song với đó, TP cũng đặc biệt quan tâm tới công tác sản xuất giống cá, cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi trên địa bàn TP.
Đòn bẩy từ chính sách
Có được những kết quả trên, một phần là nhờ vào những chính sách ưu tiên phát triển thủy sản của TP. Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND TP Hà Nội, Chi cục đã tham mưu cho các huyện thực hiện 13 dự án xây dựng hạ tầng vùng NTTS tập trung. Đến nay, đã có 4 dự án được phê duyệt đầu tư tại Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Thường Tín. Bên cạnh đó, TP còn hỗ trợ thuốc khử trùng, hóa chất và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong NTTS. Hỗ trợ cải tạo hạ tầng cơ sở sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ thuật cho các hộ NTTS.
Ông Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành thủy sản Hà Nội sẽ tập trung phát triển các vùng NTTS tập trung theo hướng đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của TP. Giữ ổn định và cải tạo diện tích ao hồ nhỏ trong khu dân cư để tận dụng đưa vào NTTS và tạo cảnh quan, môi trường. NTTS mặt nước lớn gắn liền với phát triển du lịch sinh thái.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành thủy sản Hà Nội cần tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cơ sở phục vụ NTTS đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng cho các vùng sản xuất tập trung. Khuyến khích các công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện có tại Hà Nội đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất thức ăn cho thủy sản.
Mặt khác, chú trọng phát triển NTTS tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phát triển khai thác thủy sản một cách hợp lý, gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái.