Print Chủ Nhật, 19/05/2019 09:28

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh thực sự là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Những chiến sĩ trên Trường Sơn là những chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù, bảo đảm cho tuyến đường thông suốt.

Nụ cười nữ dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn.

Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn với những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh vô cùng hiện đại nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược. Trong cuộc chiến này, phía địch đã đánh phá 151.800 trận với 733.000 lần chiếc máy bay, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn. Bên cạnh đó, đối phương còn huy động hàng nghìn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt đường Trường Sơn trong suốt những năm chiến tranh.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức đảm bảo giao thông vận tải, đánh địch tại chỗ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các chiến trường thực hiện nhiều chiến dịch lớn, đập tan mưu đồ của đế quốc Mỹ. Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: công binh, vận tải, phòng không – không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông trong mọi tình huống.

Trong 16 năm (1959-1975), các lực lượng trên tuyến chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững huyết mạch trên con đường huyền thoại này.

Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu. Đồng thời bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh. Không chỉ dừng ở đó, Trường Sơn còn có một vị trí quan trọng như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, tạo bàn đạp xuất kích ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.

Xe vận tải chi viện miền Nam vượt qua cầu treo do bộ đội Trường Sơn xây dựng

Ra đời và phát triển, trước hết bắt nguồn từ nhu cầu của cách mạng Việt Nam, nhưng trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Đông Dương, đường Trường Sơn đã không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng của ba nước Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, tuyến chi viện chiến lược đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước, tỏa ra các chiến trường, là sợi dây liên kết tạo một hệ thống liên hoàn bền vững. Nhân dân các dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia trên tuyến đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà, góp phần xây dựng, bảo vệ con đường trong suốt những năm chiến tranh. Như vậy, đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt của nhân dân ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia và bạn bè quốc tế.

60 năm đã trôi qua, bện cạnh những giá trị lịch sử mang tầm vóc vĩ đại phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên vai trò chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc ngày nay. Đường Trường Sơn có vị trí quốc phòng và an ninh quan trọng, có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên, khoáng sản. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần có một tuyến đường hoàn chỉnh, thống nhất, xuyên suốt nhằm đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, từ năm 1996 Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường để hình thành trục dọc với tên gọi đường Hồ Chí Minh. Đây là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

Đường Hồ Chí Minh từ lâu đã là tên gọi rất quen thuộc không những được nhân dân cả nước mà các nước trên thế giới biết đến. Việc lấy tên công trình là “đường Hồ Chí Minh” mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, đồng thời có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tin tưởng rằng, với những chiến tích đặc biệt trong lịch sử, đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

                                                                                Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2019) – Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước  (Kỳ 3): Viết tiếp những trang sử chói lọi
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác