Print Thứ Sáu, 17/05/2019 08:49

Cách đây 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) đã ra đời, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là dấu lịch sử đặc biệt, mang tầm chiến lược của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Bộ đội Trường Sơn (ảnh tư liệu)

Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959 Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ soi đường, bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển vũ khí và bảo đảm đưa 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Vì ra đời tháng 5-1959, Đoàn mang phiên hiệu Đoàn 559, và con đường được mở đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Từ đó, ngày 19-5 cũng trở thành Ngày truyền thống Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phải chủ động tránh địch và tuyệt đối giữ bí mật.

Ngày 13-8-1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt của địch, ngày 20-8-1959, chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường gùi được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Ở miền Nam, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị chủ trương đẩy mạnh hoạt động chi viện cho chiến trường. Vị trí, vai trò của Đoàn 559 ngày càng quan trọng, nhiệm vụ của Đoàn ngày càng nặng nề. Trong khi đó, địch ngày càng tăng cường lùng sục, đánh phá ác liệt hơn. Ngày 1/9/1960, Hội nghị Ban cán sự Đoàn 559 ra nghị quyết nêu rõ: “Phải quyết tâm tự lực cánh sinh, tranh thủ sử dụng đi đường cũ, đồng thời tiếp tục soi đường mới để làm đường dự bị”.

Trong khi tuyến giao liên vận tải quân sự từ miền Bắc được mở dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam thì ở Trung Bộ, các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ Tây Nguyên và từ miền Đông Nam Bộ các đội vũ trang tuyên truyền cũng tiến hành soi đường ra Bắc. Đến cuối năm 1960, ta đã thiết lập được tuyến giao liên vận tải từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, tuyến giao liên quân sự Trường Sơn thật sự trở thành cầu nối giữa miền Bắc với các căn cứ miền Nam. Trong mùa khô 1960 – 1961, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho chiến trường được 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường, có chân hàng dự trữ cho các đợt vận chuyển tiếp theo.

Ngày 31-1-1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) và phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Trong đó có nhiệm vụ: Mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc – Nam, cả đường bộ và đường biển, nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế vận chuyển phương tiện vũ khí, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam. Trước tình hình địch đánh phá ngày càng ác liệt, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhất trí với đề nghị của ta mở tuyến đường vận tải trên đất bạn, đồng thời cũng đề nghị dùng đường đó để vận chuyển một số nhu cầu thiết yếu của bạn tới Nam Lào, cùng bạn mở rộng vùng giải phóng ở khu vực này. Ngày 14-6-1961, Đoàn 559 chính thức bước vào hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn.

Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP phát triển Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn. Không chỉ phát triển về số lượng, Đoàn 559 đã có bước phát triển quan trọng về chất lượng, các chiến sĩ Trường Sơn vừa là người lính vận tải, vừa là chiến sĩ bộ binh, công binh, vừa công tác, vừa chiến đấu. Đến cuối năm 1964, bộ đội tuyến 559 cùng các đơn vị vũ trang, thanh niên xung phong và giao thông Quân khu 4 đã xây dựng được tuyến hành lang vận tải gồm nhiều trục đường gùi thồ và một trục đường cơ giới ở Tây Trường Sơn.

                                                                                                    (còn nữa)

Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2019) – Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (kỳ 1):  Quyết định mang dấu ấn lịch sử
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác