Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung (1483-1541) là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại là người trí dũng hơn người. Tục truyền ông có ấn tướng ở vai là xương liền thẳng, học võ rất giỏi, lại sở trường môn vật và múa đao. Đến khoa thi võ, ông đỗ Đô lực sĩ xuất thân (còn được gọi là Võ Trạng nguyên), được sung quân Túc vệ.
Khi triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công…
Tháng 6 năm 1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh, tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay.
Tuy thời gian trị vì ngắn, nhưng có thể khẳng định: “Thái tổ Mạc Đăng Dung bằng tài trí văn võ song toàn, dùng võ công định đoạt thiên hạ, dùng nhân đức để trị quốc an dân, lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài, lấy tư duy đổi mới để phát triển nông, công, thương, tín, xây dựng một xã hội đất nước giàu mạnh, ấm no”, công lao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều nhà Mạc đối với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là vô cùng to lớn.
Các hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra trong 3 ngày chính (27/7 đến 29/7) được tổ chức với các nghi thức trang trọng, thiết thực với cả phần Lễ và phần Hội. Trong đó, phần Lễ bao gồm Lễ cáo yết; Lễ Kỷ niệm; Lễ dâng hương; Lễ giã đám. Phần Hội bao gồm Hội thi Võ Trạng nguyên Vương Triều Mạc lần thứ I-năm 2023; biểu dương giáo viên, học sinh xuất sắc, tiêu biểu năm học 2022-2023. Trong khuôn khổ chương trình, Lễ kỷ niệm còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Kiến Thụy với sự tham gia của các ngành, doanh nghiệp, các hộ cá thể trên địa bàn.
Ông Phạm Tiến Thuật, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, để Lễ kỷ niệm được tổ chức thành công, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân và du khách thập phương tham gia, hưởng ứng, UBND huyện đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo về mặt nội dung chương trình, đặc biệt trong công tác tuyên truyền.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy nhấn mạnh, các hoạt động kỷ niệm trên không chỉ là hoạt động văn hóa tôn vinh những đóng góp to lớn của Thái tổ Mạc Đăng Dung và nhà Mạc trong sự phát triển của lịch sử dân tộc, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, nâng cao ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng.
Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh Di tích cấp thành phố Khu tưởng niệm Vương triều Mạc nói riêng, du lịch Hải Phòng nói chung đến với du khách trong và ngoài thành phố.
LIÊM ĐOÀN
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More