Kỷ niệm 433 năm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Vinh danh tấm gương đạo đức, nhân cách lớn

Lễ hội kỷ niệm 433 năm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức với quy mô cấp huyện, diễn ra trong các ngày 2, 3 và 4-1-2019. Ngoài các nghi lễ truyền thống và trang trọng, phần hội năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đa dạng, phong phú. Ban Tổ chức và chính quyền địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và du khách tham dự lễ hội.

Sáng ngời tấm gương đạo đức, tài năng và nhân cách lớn

Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương cũ nay thuộc xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học. Cha của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ trong vùng. Mẹ của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm bộc lộ tư chất thông minh, tài học. Lớn lên, dù học rộng tài cao, nhưng thấy các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lợi gây nhiều đau khổ cho người dân, ông không ứng thi, chỉ ở nhà dạy học. Đến triều Mạc, ông dự khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1534) và đỗ đầu. Kỳ thi Hội và thi Đình năm sau, ông tiếp tục đỗ đầu và ra làm quan, giữ nhiều chức như: Đông Các hiệu thư, Tả thị lang Bộ Hình, Tả thị lang Bộ Lại, Đông các Đại học sĩ… Ông được vua Mạc phong tước Trình Quốc Công. Sau khi dâng sớ xin chém 18 lộng thần không được vua xét, ông cáo lão về quê, mở am Bạch Vân, dựng quán Trung Tân, làm thơ, dạy học. Học trò của ông có đến hàng nghìn người. Nhiều người nổi tiếng, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Đinh Thời Trung, Nguyễn Dữ, Nguyễn Quyện… Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều đóng góp cho nền văn học nước ta với số lượng các bài thơ chữ Hán và chữ Nôm lên tới hàng nghìn.

 

Đền Trạng Trình (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) trong ngày lễ hội. Ảnh: Hoàng Phước.

 

Sau khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, triều đình cấp 3.000 quan tiền để dựng đền thờ. Vua tự tay viết chữ vào biển treo trước đền thờ ông: “Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ” (Đền thờ quan Trạng Tể tướng triều Mạc). Đến nay, khu đền thờ ông với diện tích rộng 9,2 ha, thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Khu di tích gồm 9 hạng mục được sắp xếp hợp lý, khoa học, cảnh quan hài hòa. Năm 1991, khu di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, đến năm 2015, đền thờ ông được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Kỷ niệm ngày mất của ông ( 28 tháng 11 âm lịch ) hằng năm, thành phố Hải Phòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Bảo lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao, tài năng và đức độ của ông.

 

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách

Ông Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo, Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Lễ hội đền Trạng Trình kỷ niệm 433 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2019, cho biết, đây là lễ hội truyền thống của quê hương, việc tổ chức lễ hội trước hết phải trang trọng, đúng quy định, phù hợp với nghi lễ truyền thống của địa phương. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội tập trung tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao, tài năng, đức độ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, quảng bá, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, tỏ lòng tri ân của nhân dân với Trạng Trình, thu hút du khách trong nước và quốc tế về tham quan và chiêm bái di tích.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài phần lễ, có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, như: Biểu diễn tích chèo về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm; các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, thể thao như: Pháo đất, đua thuyền, bóng chuyền, giải vật, Hội thơ, liên hoan ca-múa-nhạc; trưng bày sách, tư liệu, hiện vật về con người, sự nghiệp Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho du khách và nhân dân tới tham dự lễ hội, Ban tổ chức lễ hội và các ban, ngành, lực lượng chức năng của huyện, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích chuẩn bị chu đáo về an ninh trật tự, giao thông… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tham dự. Đặc biệt đến thời điểm này Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn từ cầu Nhân Mục đến cầu Lạng Am phía Tây bờ sông Chanh Dương cơ bản được hoàn thành, cùng với việc hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, xây dựng cầu Hàn, cầu Đăng, tuyến đường đôi từ Quốc lộ 37 vào khu di tích được hoàn thành trước đó hết sức thuận lợi về giao thông để người dân và du khách về tham dự lễ hội, không còn lo tình trạng ùn tắc giao thông như những kỳ lễ hội trước…


Thái Phan – Báo Hải Phòng 31/12/2018

Tin khác

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong…

19/07/2024

Thông qua 34 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao;…

19/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương,…

19/07/2024

Nhân dân luôn ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng

Sau khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của đồng chí…

19/07/2024

Chiếu phim lưu động phục vụ thiếu niên, nhi đồng và bà con Nhân dân tại huyện Tiên Lãng

Tối 18/7, tại Nhà văn hóa thôn An Thạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng,…

18/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More