Print Thứ bảy, 26/01/2019 23:14

Tổ chức chuyến về nguồn tại nơi gia đình cố nhà văn đang sinh sống tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang); triển lãm “Tác phẩm Nguyên Hồng và về Nguyên Hồng”; lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng (5-11-1918 – 5-11-2018); triển lãm tranh gò đồng “Chân dung bạn bè văn nghệ” của tác giả Phạm Xuân Trường- đó là các hoạt động nổi bật của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hải Phòng nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố nhà văn Nguyên Hồng, vị chủ tịch đầu tiên của Hội.

 

Dịch giả Nguyễn Thanh Thư (con gái cố nhà văn Nguyên Hồng, thứ hai từ trái sang) giới thiệu về những di vật của ông.

Ảnh: VŨ DŨNG

 

Từ bữa cơm ấm tình giữa núi rừng Yên Thế


Vượt qua hơn 100km với gần 3 giờ chạy xe, đoàn đại biểu văn nghệ sĩ Hải Phòng có mặt trước cổng ngôi nhà đơn sơ của cố nhà văn tại Đồi Văn hóa kháng chiến (còn gọi là ấp Đồi Cháy), xã Quang Tiến, huyện Tân Yên (huyện Yên Thế trước kia, nay tách thành 2 huyện Yên Thế và Tân Yên), tỉnh Bắc Giang, khi ánh nắng hanh hao cuối thu đủ soi rọi các tàng cây xanh mướt trong vườn. Đi qua cánh cổng cao, mở rộng ngay đầu dốc, đoàn được gặp những gương mặt quen thuộc, tay bắt mặt mừng như anh em trong gia đình. Họ là 4 con gái ruột, những người con rể và người con dâu đang ngày ngày chịu trách nhiệm hương khói phụng thờ tiên tổ và vợ chồng cố nhà văn, cùng lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Bắc Giang.

 


Thành kính thắp nén hương tưởng nhớ trước di ảnh của Nguyên Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Tô Hoàng Vũ cho biết, chuyến về thăm gia đình nhà văn gần nhất cách đây 5 năm. Cảnh cũ, người xưa không có nhiều thay đổi: vẫn lối nhỏ dẫn vào ngôi nhà đơn sơ, bình dị; vẫn hàng cây xanh rợp bóng mát. Tiếp khách quý từ thành phố Hoa Phượng đỏ, bà Trần Thị Loan, con dâu cố nhà văn Nguyên Hồng bày tỏ: “Từ ngày thầy tôi mất (năm 1982), vợ chồng tôi có sửa chữa đôi chút nhưng trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà”. Nói rồi, bà Loan giới thiệu các thành viên trong đoàn về những hiện vật lúc sinh thời nhà văn nổi tiếng thường dùng. Đó là đôi dép nhựa Thiếu niên Tiền phong, là chiếc cặp da có khung sắt mà lúc nào nhà văn cũng “khư khư” mang theo bên người vì sợ mất bản thảo; khay đựng mực bằng thủy tinh; chiếc giá sách bằng tre và cả chiếc mũ đội đầu bạc màu theo năm tháng…Đặc biệt, có hai hiện vật quý mà theo con cháu của cụ, lúc nào nhà văn cũng đặt trên bàn làm việc là tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiếc đồng hồ Liên Xô…Trong ngôi nhà lưu giữ nhiều kỷ niệm ấy còn có bộ bàn ghế gỗ do thành phố Hải Phòng trao tặng; những di cảo là các bản thảo viết bằng tay của cố nhà văn, từ “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu, “Hai dòng sữa” đến “Sóng gầm”, “Cửa biển”…


Sau khi đoàn đại biểu thắp hương tại nơi an nghỉ của cố nhà văn dưới chân núi Án, trong bữa cơm thân tình, ấm áp với gia đình, những câu chuyện, ký ức, kỷ niệm đẹp về Nguyên Hồng lại ùa về, được mọi người hồi tưởng lại. Dịch giả Nguyễn Thanh Thư, con gái cố nhà văn bồi hồi: “Hôm nay các văn nghệ sĩ Hải Phòng lặn lội đường xa về ăn cơm dưới gốc cây khế- nơi hơn 30 năm trước thầy tôi thường ngồi nhìn ngắm gia đình quây quần trong bữa cơm sum họp – chắc thầy tôi vui và cảm động lắm…”.


Đến các hoạt động tri ân tiền nhân


Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng Tô Hoàng Vũ cho biết, chuyến về nguồn thăm gia đình cố nhà văn là một trong những hoạt động tri ân vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng từ năm 1964 đến khi ông mất, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp của dân tộc. 36 năm qua kể từ khi Nguyên Hồng rời xa trần thế, với văn nghệ sĩ thành phố Cảng nói riêng, những bạn đọc yêu mến tác phẩm của ông nói chung vẫn cảm nhận ông ở quanh đây. Nhớ về ông, nhà thơ Đào Cảng viết: “Anh đi rồi tôi cứ tưởng đâu đây/Chiếc áo sờn vai bạc màu gió nắng/Nên anh chết như chuyến đi dài hạn…”.


Cũng theo nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, trở lại ấp Đồi Cháy, nơi một số văn nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước từng sinh sống, sáng tác trong những năm kháng chiến chống Pháp, như: gia đình nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận…chuyến đi càng có ý nghĩa đặc biệt khi Hội đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng tại Hải Phòng. Đó là: triển lãm “Tác phẩm Nguyên Hồng và về Nguyên Hồng”; lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng; triển lãm tranh gò đồng “Chân dung bạn bè văn nghệ”. “Đây là dịp để các thế hệ văn nghệ sĩ thành phố nhìn nhận lại toàn bộ hoạt động của Hội sau khi Nguyên Hồng qua đời, nhằm cổ vũ, động viên, định hướng các văn nghệ sĩ thế hệ sau xác định lại một cách rõ ràng sứ mệnh của những người cầm bút, người làm văn nghệ với đất nước, quê hương”, nhà thơ Minh Trí chia sẻ.


Còn nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, Chủ tịch Hội Điện ảnh-Truyền hình thành phố cho biết: “thăm lại nơi nhà văn tiền bối, người tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và 18 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng từng sống, các văn nghệ sĩ thành phố nhiều cảm xúc. Chúng tôi muốn được giữ hình ảnh Nguyên Hồng sống mãi với người dân Hải Phòng, nên mong lãnh đạo thành phố quan tâm, đồng ý, tạo điều kiện để chúng tôi sáng tạo, dựng lại bộ tiểu thuyết “Cửa biển” của Nguyên Hồng lên màn ảnh. Bộ sách gói gọn toàn bộ tinh anh, hồn cốt và được coi là bộ biên niên sử một thời của thành phố Cảng”.


ĐÔNG HẢI

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn Nguyên Hồng  Tri ân tiền bối làng văn nghệ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác