Ngày 6/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 11 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nghe các nội dung:
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1). Theo đó, về phạm vi, quy mô đầu tư, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 53,7 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép – Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 – 6 làn xe. Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188,2 km qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, các dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa triển khai. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021-2025 là hợp lý và cần thiết. Về phạm vi đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án đường vành đai 3 – TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km, qua địa phận TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tham gia thảo luận ở tổ 12 về chủ trương đầu tư các dự án trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) cho biết, nếu cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV xem xét 1 dự án quan trọng quốc gia thì ngay trong kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV xem xét tới 5 dự án quan trọng quốc gia. Và nếu tính cả dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được Quốc hội phê chuẩn từ kỳ họp thứ Hai thì ngay năm đầu khóa XV của Quốc hội đã xem xét 6 dự án quan trọng quốc gia. Về chủ trương đầu tư của các dự án này là hết sức cần thiết, mang tính động lực, kết nối vùng lan tỏa. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đến 3 phiên làm việc để cho ý kiến nội dung này; đồng thời đề nghị thay đổi chương trình kỳ họp thứ Ba, lùi thời gian cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án này để tổ chức phiên họp bất thường bàn thêm về các yếu tố vốn đầu tư, danh mục dự án thành phần trong gói kích thích nền kinh tế theo Nghị quyết 43… từ đó cho ý kiến hoàn thiện hồ sơ dự án trước khi trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều đó cho thấy nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự cầu thị của Chính phủ, tính toán, bàn bạc kỹ lưỡng để đạt sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét lần này áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với các quy định hiện hành trong các lĩnh vực ngân sách, xây dựng, giao thông đường bộ, đấu thầu… để thực hiện các dự án. Làm rõ các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng cả nguồn vốn Trung ương và địa phương để thực hiện các dự án; đề xuất phương án giao cho một số địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó giao đầu mối cho Hà Nội đối với dự án đường vành đai 4 và TP.Hồ Chí Minh làm đầu mối quản lý đối với đường vành đai 3. Ngoài ra là một số cơ chế đặt thù về đấu thầu, về tỷ lệ phần vốn đóng góp, thời hạn thu hồi vốn của một số dự án liên quan đến quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… Song, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, thực hiện cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, các địa phương phải cam kết với Chính phủ về việc bố trí vốn và Chính phủ phải cam kết với Quốc hội một cách rõ ràng, chặt chẽ về tổng số vốn bố trí theo phương án, về phân kỳ đầu tư, tiến độ giải ngân, cam kết về tổng số vốn, số vốn cam kết từng năm, khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì cả Trung ương và địa phương đều phải bổ sung để bảo đảm hoàn thành. Bày tỏ băn khoăn, dù có Luật PPP, nhưng nhiều dự án phải chuyển sang hình thức đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về lâu dài phải đánh giá một cách căn cơ để phát triển thị trường vốn trung hạn, dài hạn, huy động nguồn lực xã hội. Đồng thời, trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường vành đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội yêu cầu “tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì” và Chính phủ cũng đang phải rà soát các nguồn bảo đảm cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến bảo đảm khả thi khi cùng một lúc nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thì các vấn đề như vật liệu thi công, năng lực thi công của các nhà thầu; vấn đề quản trị dự án, tổ chức bảo trì, bảo hành và vận hành sau khi đưa vào khai thác, sử dụng cần được quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quyết tâm của cả Quốc hội và Chính phủ để khi biểu quyết sẽ tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt và đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu về đường cao tốc, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng của cả nước.
Tham gia ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang (Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) nhất trí cao về sự cần thiết chủ trương đầu tư các dự án và đồng tình cao với những giải pháp Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế đặc biệt để triển khai nhanh các dự án này. Song, với cơ chế đặc thù cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán để bảo đảm các dự án này không có trục trặc khi triển khai, không để xảy ra kỷ luật do sai sót, tiêu cực, thậm chí là tham nhũng; đồng thời, quan tâm đến khai thác quỹ đất 2 bên đường khi triển khai dự án, tạo kết nối các tuyến đường khác của địa phương với đường cao tốc. Đại biểu Quốc hội Vũ Thanh Chương (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) nêu ý kiến, cần quy hoạch có định hướng dẫn dắt, không chỉ giải quyết tình thế về ùn tắc giao thông trong trước mắt; cần xem xét lại tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc đường bộ theo đúng quy chuẩn để bảo đảm an toàn giao thông.
LHT