Print Thứ Bảy, 26/01/2019 22:17

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2018

4 Giám đốc Sở đăng đàn; nhiều vấn đề lớn, nóng được xới xáo ở nhiều góc độ; nguyên nhân, giải pháp khắc phục khá rõ ràng… là những diễn biến nổi bật  trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6- 12 tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15.

 

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đại biểu trao đổi tại kỳ họp.  Ảnh: Duy Thính

An toàn giao thông còn nhiều bất cập

Đây là vấn đề đầu tiên được dành chất vấn Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) Nguyễn Đức Thọ. Đại biểu Hà Thế Vinh, Phó trưởng Ban đô thị HĐND thành phố đề nghị Giám đốc Sở trả lời về tình trạng ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng, cụ thể là tại nút giao thông ngã năm Kiến An, giải pháp nào để khắc phục.

Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đức Thọ, mật độ phương tiện qua nút giao thông này rất lớn, nhất là sau khi thành phố hoàn thành cầu Đăng, cầu Hàn. Mỗi ngày, chỉ tính từ 5 giờ 30 sáng tới 21 giờ có tới hơn 16 nghìn lượt xe ô tô và gần 41 nghìn lượt xe máy qua đây. Ùn tắc giao thông thường xảy ra vào giờ cao điểm. Để khắc phục, trước mắt, ngành GTVT đã hạn chế xe tải 7,5 tấn trở lên qua lại vào giờ cao điểm, tăng cường điều tiết giao thông, đồng thời lập dự án cải tạo nút giao này. Dự án có tổng kinh phí hơn 99 tỷ đồng, trong đó có 74 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Sau khi thành phố cân đối vốn, dự án sẽ nhanh chóng được triển khai nhằm giải quyết nạn ùn tắc nêu trên.

Đại biểu Hà Thế Vinh tiếp tục chất vấn về tai nạn giao thông những tháng cuối năm có chiều hướng tăng lên. Theo Giám đốc Sở GTVT, tình trạng này là có, nhưng tính chung 11 tháng tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm ở cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những vấn đề nan giải, bức xúc. Nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp với tốc độ gia tăng các phương tiện; tổ chức giao thông có phần chưa hợp lý; ý thức chấp hành luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu… Để khắc phục, thời gian vừa qua, Sở GTVT tham mưu và thực hiện xóa nhiều “điểm đen” giao thông; phân luồng lại giao thông; lắp đặt nhiều cụm đèn tín hiệu tại các vị trí giao cắt được đại biểu HĐND và cử tri chỉ ra; gắn vá nhiều tuyến đường; cải tạo, mở rộng một số nút giao thông, trong đó có nút giao cầu Niệm đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 12; phối hợp với các địa phương bảo đảm trật tự đường hè, an toàn giao thông (TTĐH, ATGT)… Về lâu dài, ngành sẽ tham mưu hoàn thiện            đề án về kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, điều tiết hợp lý các phương thức vận tải vào trung tâm thành phố; triển khai thực hiện dự án giao thông thông minh; tiếp tục xây dựng, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng  giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATGT dưới nhiều hình thức…

Cùng với đó, Sở GTVT yêu cầu các phương tiện phải lắp giám sát hành trình; phối hợp với ngành Y tế kiểm tra sức khỏe lái xe, phát hiện nhiều trường hợp lái xe không bảo đảm sức khỏe, nhiều trường hợp sử dụng chất kích thích…

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu làm rõ: Qua kiểm tra sức khỏe, có bao nhiêu lái xe bị thu bằng lái, không được tiếp tục hành nghề? Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT hứa sẽ thống kê và báo cáo HĐND thành phố.

Sẽ di chuyển các bến xe trong nội đô

 Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố về di chuyển 3 bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào, Lạc Long…, Giám đốc Sở GTVT cho biết đang thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, sẽ sớm di chuyển bến xe Lạc Long. Đồng thời lập phương án đề xuất thành phố đưa 3 bến xe này trở thành bãi đỗ xe tĩnh. Theo tính toán của ông Nguyễn Đức Thọ, với diện tích hơn 18.000 m2, 3 bãi đỗ xe tĩnh có thể chứa được hơn 1000 xe/ngày, giải tỏa áp lực về nơi đỗ, đậu xe ô tô trong nội đô, đồng thời góp phần bảo đảm ATGT…

Sớm xác định nguyên nhân và xử lý tình trạng rải đinh trên cầu Tân Vũ- Lạch Huyện

Giám đốc Sở GTVT xác nhận phản ánh của đại biểu Lưu Xuân Cải về hiện tượng rải đinh trên cầu Tân Vũ- Lạch Huyện  là có và đây là lần thứ 3 diễn ra. Sau khi kiểm tra, Sở phối hợp UBND huyện Cát Hải thu được hơn 1 kg đinh. Tuy nhiên, đây là đinh đóng cốp pha chứ không phải loại đinh tự chế, nên sẽ cùng với các địa phương liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân do xe chở  cốp pha làm rơi ra cầu hay cá nhân, tổ chức nào cố tình phá hoại, để có biện pháp xử lý.

Giải bài toán giao thông ra đảo Cát Bà

Đại biểu Nguyễn Văn Chương, Bí thư Huyện ủy Cát Hải chất vấn về các giải pháp giải bài toán giao thông ra đảo Cát Bà.

Theo Giám đốc Sở GTVT, các nguyên nhân gây ùn tắc đã rõ. Năm 2018, Sở đã tích cực tham mưu, đề xuất với thành phố và tổ chức thực hiện một số giải pháp như cải tạo, mở rộng mặt bến phà, đường dẫn; điều tiết lại vận tải tại bến phà Gót. Thời gian tới, sẽ tiếp nhận 1 phà 100 tấn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đóng mới phương tiện chở khách cao tốc ra đảo. Giám đốc Sở GTVT cũng kiến nghị, cần sớm hoàn thành tuyến cáp treo ra đảo; xây dựng bến tàu khách mới tại bến Gót; đầu tư xây dựng bến tàu khách Bến Bính; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trên tuyến đường 356 trên đảo Cát Bà…, sẽ giải được bài toán này.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông

Đại biểu Đỗ Văn Lợi, Phó giám  đốc Sở GDĐT đặt vấn đề: Nhiều tuyến đường phố lớn bị xuống cấp chưa được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Giải pháp nào trong thời gian tới để khắc phục?

Theo Giám đốc Sở GTVT, nhiều tuyến đường xuống cấp như Đà Nẵng, Lạch Tray, Minh Khai, Lê Thánh Tông, tuyến đường mương An Kim Hải… đòi hỏi nguồn vốn lớn để khắc phục. Thực tế, kinh phí cấp hàng năm chỉ bảo đảm được 30% nhu cầu. 10 năm qua mới được cấp khoảng 500 tỷ đồng, trung bình 50 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố cũng đã hoàn thành sửa chữa kết cấu mặt đường Minh Khai; Đà Nẵng…; một số tuyến khác tiếp tục làm trong năm 2019… Về lâu dài, đề ghị thành phố bố trí đủ nguồn kinh phí nâng cấp, cải tạo các tuyến đường.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành yêu cầu Giám đốc Sở GTVT có kế hoạch triển khai các nội dung trên, báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 7- 2019. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, trước mắt khẩn trương khởi công tuyến đường Hồ Sen- Cầu Rào 2 đoạn kết nối với phố Tô Hiệu; nút giao ngã năm Kiến An; mở rộng tuyến đường Lạch Tray… Về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường, Sở GTVT sớm có thống kê, Sở Tài chính tham mưu trình Thường trực HĐND thành phố đưa vào kế hoạch để giai đoạn 2019- 2020 có đủ nguồn kinh phí làm lại toàn bộ mặt đường xuống cấp, bảo đảm ATGT…

Sớm cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân huyện Kiến Thụy

Đại biểu Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố hỏi: Vì sao nhiều hộ dân xã Hữu Bằng, Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy) có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đã được cấp đất tái định cư nhưng đến nay chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), trách nhiệm thuộc về ai; bao giờ giải quyết xong?

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) Trần Văn Phương, hiện còn có 292 hộ dân trên địa bàn huyện An Lão và Kiến Thụy thuộc diện này. Các hộ đã nộp tiền sử dụng đất cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), nhưng do UBND thành phố và VIDIFI chưa thực hiện xong việc thanh quyết toán các khu tái định cư nên chưa hoàn tất các thủ tục cấp GCNQSDĐ. Trách nhiệm thuộc về các ngành thành phố  xác định giá giao đất tái định cư chưa phù hợp, phải điều chỉnh làm chậm tiến độ quyết toán.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu làm rõ thêm. Theo đó, ngân sách thành phố còn nợ VIDIFI khoảng 60 tỷ đồng nên VIDIFI muốn giữ lại tiền sử dụng đất của các hộ dân để khấu trừ. Vì thế, thời gian tới, đề nghị HĐND thành phố bố trí ngân sách giải quyết việc này, thanh toán dứt điểm và cấp giấy cho các hộ dân. Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành yêu cầu, cần làm khẩn trương, cố gắng sau hơn 3 tháng nữa phải hoàn tất thủ tục cấp giấy.

Nhiều khoản tiền sử dụng đất chưa thu được

Đại biểu Phạm Văn Phương, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách (KTNS) HĐND thành phố bức xúc vì có nhiều dự án đã được giao đất nhưng chưa thu tiền sử dụng đất, nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Giám đốc Sở TNMT, có 19 dự án với diện tích đất 968 ha, tổng số tiền 2739 tỷ đồng chưa thu được. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do quy trình thủ tục, do cơ chế chính sách, do còn vướng mắc, do điều chỉnh quy hoạch, do chậm tính tiền thuê đất… Trách nhiệm thuộc về Sở TNMT, các ngành, địa phương liên quan. Giải pháp được đưa ra là khẩn trương xác định giá đất đối với dự án đã đủ điều kiện; kịp thời tham mưu với thành phố giải quyết các vướng mắc của một số dự án, đôn đốc chủ đầu tư nộp vào ngân sách…

Kiên quyết, mạnh tay trong quản lý khai thác khoáng sản

Trả lời đại biểu Phạm Văn Phương về cấp phép và thu ngân sách từ khai thác cát, Giám đốc Sở TNMT cho biết đã cấp 19 giấy phép cho 15 doanh nghiệp; thu cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 160 tỷ đồng, ngoài ra Cục Thuế sẽ thu các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực khó kiểm soát, thất thu, thất thoát còn nhiều, thời gian tới cần có các  giải pháp mạnh tay hơn.

Theo đại biểu Phạm Quốc Ka, Bí thư Huyện ủy Cát Hải, biện pháp cần thiết là thực hiện quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng; thực hiện nghiêm Nghị định 58 của Chính phủ, yêu cầu các chủ mỏ phải xác định rõ vị trí bằng định vị vệ tinh trong khai thác cát. Đồng thời, phải đánh giá quyết toán hồ sơ san lấp tại chân công trình, làm rõ nguồn gốc cát lấy ở đâu để quản lý chặt chẽ, không để thất thoát nguồn thu.

Vì sao dự án phát triển đô thị và dịch vụ Tràng Cát 6 năm chưa triển khai
Đây là câu hỏi của đại biểu Nhâm Thị Thanh Hằng, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Cảng Hải Phòng và được Giám đốc Sở TNMT giải thích là có nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa có đường vào. Về việc dự án có tiếp tục thực hiện hay không, Giám đốc Sở TNMT cho biết đang cùng Ban quản lý Khu Kinh tế, các ngành xem xét, thống nhất đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 10- 12- 2018, sau đó sẽ có phương án cụ thể.

Kiên quyết bảo vệ nguồn nước ngọt

Đại biểu Thích Quảng Tùng; đại biểu Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngọt; quá trình cấp phép xả thải được thực hiện ra sao?

Giám đốc Sở TNMT cho biết, Sở TNMT và Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn được giao cấp phép xả thải, 3 năm đã cấp được 350/690 giấy phép. Tiến độ này còn chậm, cần được đẩy mạnh hơn trong những năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là có biện pháp cứng rắn trong việc ngăn chặn xả nước thải không phép từ các cơ sở sản xuất kinh doanh vào nguồn nước, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết (NQ) 23 ngày 12- 12- 2013 của HĐND thành phố về bảo vệ nguồn nước ngọt tại các con sông. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện NQ rất hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả chưa cao. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu Sở TNMT phải tham mưu, xây dựng kế hoạch hàng năm báo cáo HĐND, UBND thành phố để phân bổ kinh phí, thực hiện hiệu quả NQ 23 của HĐND thành phố.

Dự án mở rộng trường Đại  học Dân lập bỏ hoang

Đại biểu Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao (VHTT) chất vấn dự án mở rộng Trường đại học Dân lập 10 năm nay chưa triển khai, đất để hoang hóa, lãng phí, hướng giải quyết như thế nào.

Theo Giám đốc Sở TNMT, theo Luật Đất đai, dự án này đã không sử dụng đất liên tục trong thời hạn 12 tháng, thuộc trường hợp được gia hạn 24 tháng để đưa đất vào sử dụng. Sau thời hạn trên, nếu chưa sử dụng sẽ thu hồi đất.

100% số xã sẽ về đích nông thôn mới trong năm 2019

 Trước băn khoăn của đại biểu Bùi Thế Nghĩa, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội (VHXH) HĐND thành phố về chỉ tiêu 100% các xã trên địa bàn Hải Phòng hoàn thành cơ bản các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phạm Văn Lập thông tin: Năm 2019, thành phố có 45 xã  về đích xây dựng nông thôn mới. Đây đều là những xã còn nhiều khó khăn, số tiêu chí chưa hoàn thành cao. Trong đó, có nhiều tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn như: cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, nhà văn hóa); tiêu chí an ninh trật tự xã hội. Qua khảo sát, nhu cầu kinh phí để hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng của một xã khá lớn, có xã cần tới 50 tỷ đồng.

Mục tiêu đưa 45 xã còn lại về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2019 là khả thi và có căn cứ. Cụ thể, Sở đề nghị UBND thành phố bố trí khoảng 790 tỷ đồng đối với 45 xã trên để hoàn thành các tiêu chí. Trong khi đó, các tiêu chí khó đã và đang được các địa phương thực hiện, năm 2019 chỉ đầu tư để hoàn thành.

Để đạt mục tiêu, Sở phối hợp các huyện bố trí, điều tiết kinh phí từ các xã cần ít vốn sang các xã khó khăn cần nhiều vốn, bảo đảm sử dụng hiệu quả cao nguồn vốn đầu tư. Sở đề nghị UBND thành phố giao trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành để đồng hành các địa phương thực hiện các tiêu chí, nhất là lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo và Văn hóa – Thể thao. Đồng chí Phạm Văn Lập cho biết: Sở cam kết cùng với các địa phương tập trung cao thực hiện các tiêu chí ngay từ đầu năm 2019, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”; bám sát từng tiêu chí của từng xã để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh. Tuy nhiên, Giám đốc NN-PTNT mong muốn cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố cùng vào cuộc quyết liệt trong tổ chức, thực hiện chương trình.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Vi, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp- thủy sản- kinh tế nông thôn theo các Nghị quyết HĐND thành phố, Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: thực hiện NQ số 04 và NQ số 13 của HĐND thành phố về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở NN-PTNT chủ trì cùng các sở, ngành liên quan ban hành 5 văn bản hướng dẫn các địa phương, tổ chức thực hiện các cơ chế trên. Tuy nhiên, so với nhu cầu hiện nay, một số nội dung triển khai chậm và gặp khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng.

Cụ thể, trong triển khai 11 chính sách theo NQ 13/2017/ NQ- HĐND thành phố, riêng việc hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm đặc trưng hiện chưa được thực hiện. Nguyên nhân của tình trạng này là do vướng mắc về chủ trương tích tụ đất đai cũng như nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội gặp khó khăn.

Trong năm 2019, ngành NN-PTNT đề xuất thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả cao các nội dung của NQ 13. Cụ thể, tổ chức diễn đàn xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương dồn, đổi đất sản xuất để tạo thuận lợi cho sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Tuyên Dương, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cung cấp nước sạch khu vực nông thôn để đến năm 2020 đạt mục tiêu 100% số người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo chuẩn nước sạch đô thị, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở hoàn thành việc rà soát, đánh giá hiện trạng 225 nhà nhà máy nước mi ni trên địa bàn nông thôn; quy hoạch 23 vùng cấp nước trên địa bàn các huyện. Cụ thể, đến nay có 86 xã được cung cấp nước sạch tương đương nước sạch đô thị (đạt 52,3% số xã). 
      

Để thực hiện mục tiêu 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch chuẩn nước sạch đô thị, Sở phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng và mở rộng địa bàn cung cấp nước đạt chuẩn; vận động các nhà máy nước mini liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng mới các nhà máy nước đạt chuẩn. Mặt khác, Sở phối hợp ngành Y tế kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước tại các nhà máy nước sạch nông thôn.

Tái khởi động 2 dự án hồ chứa nước tại đảo Cát Bà

Thông tin về nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Chương, Bí thư Huyện ủy Cát Hải về giải pháp hoàn thiện các công trình hồ chứa nước đang thi công dở dang trên địa bàn thị trấn Cát Bà, Giám đốc  Sở NN-PTNT Phạm Văn Lập cho biết: Sở được thành phố giao làm chủ đầu tư 2 hồ chứa nước tại xã Xuân Đám và Trân Châu. Đối với 2 dự án này, ngân sách trung ương hỗ trợ 30% kinh phí, vốn địa phương và vốn khác đảm nhiệm 70% kinh phí xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2013 trung ương ngừng cấp kinh phí khiến công trình bị dở dang. Hiện nay, 2 dự án này cần 132 tỷ đồng để hoàn thiện dự án.

Trước thực trạng thiếu nước sạch tại đảo Cát Bà, năm 2018 Sở NN-PTNT rà soát điều chỉnh 2 dự án bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế. “Sau khi thành phố phê duyệt và bố trí kinh phí, Sở tiếp tục triển khai thi công. Nếu được bố trí vốn 2 công trình này sẽ được hoàn thiện trong đầu năm 2020”- Giám đốc Phạm Văn Lập khẳng định.

Để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho đảo Cát Bà, Sở đề xuất xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại khu vực Khe Sâu, thôn Hải Sơn (xã Trân Châu) với diện tích từ 8 đến 10 ha, công suất khoảng 500 nghìn m3/năm, kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng. Đồng thời, phát triển các hệ thống lọc nước biển. Ngoài ra, nghiên cứu phương án dẫn nước từ đảo Cát Hải sang Cát Bà.

Tham gia trả lời về vấn đề chậm bố trí vốn thi công 2 hồ nước Xuân Đám và Chân Trâu, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cam kết: Sẽ chỉ đạo các ngành xem xét chậm nhất trong thời gian 1 tháng  tới phê duyệt điều chỉnh dự án trên. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn của thành phố để thi công các hạng mục còn lại của dự án.

Di dời các hộ dân sống khu vực sạt lở tại núi Thiên Văn

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Trí Vũ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch (TTXTĐTTMDL) về việc di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại khu vực núi Thiên Văn,  Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Qua khảo khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại núi Thiên Văn hiện có 117 hộ dân sinh sống. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, Sở hướng dẫn UBND quận Kiến An lập phương án di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Phương án di dời được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 di dời 7 hộ dân đang sinh sống tại khu vực cực kỳ nguy hiểm. Đến nay, UBND thành phố cấp kinh phí và triển khai di dời ngay trong năm 2019. Giai đoạn 2, di dời 33 hộ nằm trong vùng nguy hiểm; giai đoạn 3 xây dựng phương án di dời hoặc bảo vệ để hạn chế rủi ro  do sạt lở gây ra.

Bên cạnh việc di dời, Sở tham mưu với quận Kiến An thực hiện các giải pháp như: xây dựng kè bảo vệ chân núi, xây dựng các công trình bảo vệ tạo hành lang an toàn, trồng cây xanh…

Xử lý nghiêm công trình xây dựng trái phép, sai quy hoạch

 Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh, đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố nêu: Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị hiện nay còn nhiều hạn chế. Lấy ví dụ cụ thể, trên tuyến đường Lê Hồng Phong, với nhiều công trình được xây dựng mới, đầu tư lớn nhưng kiến trúc “lộn xộn”, không tạo điểm nhấn kiến trúc cho toàn tuyến. Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn nhận trách nhiệm do công tác quản lý nhà nước về quy hoạch của ngành Xây dựng và chính quyền địa phương có thời điểm bị buông lỏng. Trong đó, trách nhiệm chính là ngành Xây dựng thiếu kiểm tra đối với chủ đầu tư các dự án.

Thời gian qua, Sở kiểm điểm, kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, sai quy hoạch. Nêu giải pháp khắc phục, xử lý tình trạng trên, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở xây dựng tham mưu UBND thành phố triển khai thiết kế đô thị đối với các tuyến phố chính trong đô thị, làm cơ sở để quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Ngành kiên quyết xử lý các công trình xây dựng trái phép, sai quy hoạch được duyệt, không xử lý cho tồn tại các công trình xây mới không phù hợp quy hoạch.

Chưa hài lòng về câu trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Đỗ Mạnh Hiến đề nghị cần làm rõ việc xử lý đối với trường hợp vi phạm như thế nào?

Quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, bổ sung hệ thống điện chiếu sáng đô thị

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Duy Tùng, Bí thư Huyện ủyAn Lão về nhu cầu nhà ở đối với công nhân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố có 18 khu công nghiệp. Hiện nay, các khu công nghiệp này có tốc độ phát triển nhanh, số lượng công nhân tập trung tại đây rất lớn. Tuy nhiên,  vẫn chưa có nhà ở xã hội và trường học cho công nhân và con em của họ. Đây là vấn đề bức xúc trong những năm qua, chưa theo kịp nhu cầu phát triển của thành phố. Ngành chậm trong việc tham mưu xây dựng chương trình nhà ở, chưa có sự vận động các nhà đầu tư tham gia.

Giai đoạn tới, Sở Xây dựng bố trí quỹ đất cho dự án xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, giai đoạn 2020 hoàn thiện các dự án đang triển khai và bố trí 54,8 ha cho 9 dự án nhà ở xã hội; giai đoạn 2030 thực hiện các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn 300ha trên địa bàn quận Hải An, các huyện An Dương và Thủy Nguyên để cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Cùng quan tâm đến vấn đề nhà ở công nhân, các đại biểu: Phạm Văn Mợi, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế; Đoàn Văn Chương, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng; và Phạm Hữu Thư đề nghị Sở Xây dựng chỉ rõ giải pháp và lộ trình thực hiện nội dung trên. Đồng thời, quan tâm việc xây dựng các thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Về vấn đề chiếu sáng đô thị và chiếu sáng nghệ thuật tại các khu đô thị trung tâm, khu đô thị mới và các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 30 nghìn bóng đèn chiếu sáng công cộng, đáp ứng được 49,4% nhu cầu bóng điện chiếu sáng.

Vừa qua, Sở tổ chức lắp đặt 204 mô hình chiếu sáng tại các tuyến đường như Lê Hồng Phong, các tuyến phố thuộc dải trung tâm, trục đường chính tại một số quận như Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn. Vận động 18 đơn vị, tổ chức tự tổ chức chiếu sáng ngoài nhà theo hình thức xã hội hóa.

Trong năm 2019, Sở sẽ bổ sung khoảng hơn 3.000 bóng để nâng cấp hệ thống chiếu sáng tại 127 tuyến đường trên địa bàn 7 quận. Về lâu dài, Sở bảo đảm 100% các công trình dần thay thế và sử dụng bóng đèn LED để đạt hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Tuy nhiên, không hài lòng với câu trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Nông Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng HĐND thành phố 2 lần tranh luận để mong có được câu trả lời cụ thể hơn.

 

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tê – xã hội năm 2018

(HPĐT)- Ngày 6-12, kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15 bước sang ngày làm việc thứ 2 tại hội trường với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì điều hành phiên họp.

Trước khi thực hiện nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu nghe báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại tổ đại biểu. Theo đó, tại 5 tổ có 48 lượt ý kiến, trong đó 35 lượt ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng-an ninh thành phố năm 2018; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019; 22 lượt ý kiến về các chuyên đề trình kỳ họp và các nội dung khác. Hầu hết các ý kiến đều ghi nhận, đánh giá các nội dung trình tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố. Bày tỏ phấn khởi trước kết quả kinh tế- xã hội thành phố đạt được năm 2018 có nhiều đột phá.

Tiếp đó, giám đốc các Sở: Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Tài nguyên – Môi trường trả lời chất vấn. Phát biểu điều hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị: các đồng chí giám đốc Sở trả lời chất vấn làm rõ các hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục cụ thể để cam kết thực hiện. Trong mỗi cam kết cần nêu rõ tiến độ thời gian thực hiện để đại biểu và cử tri giám sát…

Hôm nay 7-12, kỳ họp tiếp tục thực hiện nội dung chất vấn, xem xét trả lời chất vấn đối với đồng chí Chủ tịch UBND thành phố; thông qua các dự thảo nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

 

Nhóm phóng viên thời sự Báo Hải Phòng 07/12/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15   Chất vấn làm rõ nhiều vấn đề nóng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác