Ngôi nhà vĩnh hằng
Trong phiên họp ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và việc xây dựng Lăng của Người phải đảm bảo chống được các biến động của khí hậu, thời tiết, phòng chiến tranh, thể hiện được tính dân tộc mà hiện đại, thuận tiện cho mọi người đến thăm viếng.
Tháng 1/1970, cùng với việc cử đoàn cán bộ sang Việt Nam bàn về thiết kế lăng Bác, Chính phủ Liên Xô cũng thông báo sẽ giúp đỡ kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng và trang bị cho lăng.
Bản “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” do các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đưa ra sau một tuần đã được Bộ Chính trị thông qua, đánh dấu mốc lịch sử đầu tiên của thời kỳ chuẩn bị thiết kế Lăng. Các bạn Liên Xô cũng đã chuẩn bị 5 phương án về bố trí cụm tổng thể của Lăng, cho thấy tinh thần làm việc nghiêm túc, tri thức, khoa học và cả tình cảm đặc biệt mà nhân dân Liên Xô dành cho Bác Hồ.
Tin xây dựng Lăng Bác lan truyền trong nhân dân, nên có rất nhiều thư ở hai miền Nam, Bắc và Việt kiều ở nước ngoài gửi về, bày tỏ ý kiến đóng góp.
Theo nguyện vọng của nhân dân, Bộ Chính trị quyết định lùi việc duyệt bản thiết kế sơ bộ đã được thông qua để tổ chức đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng và trưng bày các mẫu đó, lấy ý kiến người dân. Cuộc vận động đã nhận được hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Chỉ từ tháng 5/1970 tới tháng 8/1970, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế và hội đồng sơ tuyển đã lựa được 24 phương án, đem trưng bày tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An. Có tới 745.487 lượt người tới thăm và 34.022 người tham gia ý kiến, cho thấy chủ trương vận động quần chúng tham gia thiết kế và đóng góp ý kiến là sáng suốt.
Bên cạnh ý kiến về các phương án trưng bày, còn có những ý kiến về vị trí Lăng: Có người đề nghị lăng nên nằm trong vườn Phủ Chủ tịch gần nhà sàn, có người muốn Lăng đặt trước Phủ Chủ tịch, có ý kiến muốn Lăng xây gần Tam Đảo, gần Đền Hùng, hoặc ở quê hương Bác…
Kết thúc đợt triển lãm, đoàn cán bộ Việt Nam mang theo bản thiết kế sơ bộ đã tổng hợp các ý kiến của nhân dân sang Liên Xô. Sau 3 tuần làm việc trên tinh thần hợp tác và khẩn trương, phương án thiết kế sơ bộ của ta đã được bạn đồng ý.
Lăng được thiết kế có độ bền vững cao, đủ khả năng chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter, có công trình bảo vệ đặc biệt để ngăn không cho nước tràn vào nếu Hà Nội bị vỡ đê.
Kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn, được ngành vũ trụ chế tạo. Ngoài ra, Lăng được thiết kế thêm “buồng đặc biệt” để khi có chiến tranh vẫn giữ được thi hài của Bác tại chỗ.
Ngày 3/11/1971, Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm Trưởng ban. Ngày 5/2/1972, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tham gia xây dựng Lăng Bác, mà lực lượng nòng cốt là Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng.
Nhưng đúng lúc công việc đang tiến hành thì ngày 16/4/1972, Mỹ đã cho máy bay bắn phá miền Bắc, trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng. Tình thế này buộc Bộ Chính trị quyết định dừng việc xây dựng Lăng.
Nhưng ngay khi Hiệp định Paris được ký kết, việc xây dựng Lăng đã tiếp tục được khởi động. Tối 29/1/1973, chỉ 1 ngày sau khi Hiệp định được công bố, Ban phụ trách xây dựng Lăng đã họp để truyền đạt chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, nhắc nhở các lực lượng xây dựng Lăng “không được phép nghỉ ngơi, không cho phép chậm trễ”. Để rồi đến ngày 2/9/1973, lễ khởi công xây dựng Lăng Bác được tiến hành.
Khắp các địa phương trên cả nước đã thi đua gửi những vật liệu tốt nhất, quý nhất của mình về để góp công hoàn thành sớm công trình, như đá Yên Bái, Thanh Hoá, ximăng Hải Phòng, gỗ Tây Nguyên…
Hàng nghìn nghệ nhân ở các tỉnh Hà Bắc, Nam Hà, Hà Tây cũng nô nức về đây đua tài. Sau bao nhiêu vất vả, cuối cùng, ngày 28/8/1975, Lăng Bác đã được khánh thành và chính thức mở của đón đồng bào và bạn bè quốc tế đến thăm và học tập tấm gương đạo đức của Người.
Những người con tận tụy
Cho đến bây giờ, sau 50 năm Người ra đi, tổ công tác đặc biệt đến nay đã trưởng thành thành Đoàn 969 Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ chăm sóc thi hài Bác và tổ chức nghi lễ thăm viếng, chào cờ trên Quảng trường Ba Đình.
Đại tá Lê Công Bằng – Phó Viện trưởng Viện 69, đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, nghiên cứu, giữ gìn thi hài Bác – cho biết: Đã sắp 40 năm được làm việc, phục vụ giấc ngủ cho Bác rồi, nhưng lần nào cũng vậy, trước mỗi buổi viếng chúng tôi phải kiểm tra quân dung của Người. Mỗi lần bỏ mũ ra đứng trên bục kiểm tra, tôi đều thấy bồi hồi xúc động, khó diễn tả vô cùng.
“Còn mỗi lần làm thuốc, chỉ mới rửa tay, thay quần áo ở phòng vô trùng thôi, tôi và kíp làm việc đã thấy thiêng liêng cao cả. Cả đoàn ai cũng có chung một suy nghĩ, mình như là người con, người cháu đang được chăm sóc từng sợi tóc, nụ cười cho người ông, người cha của mình và mình tự hào về điều đó”, đại tá Bằng nhớ lại.
Để có mặt trong nhiệm vụ làm thuốc, chăm sóc Bác, theo đại tá Lê Công Bằng, ngoài trình độ chuyên môn ra thì phải là người có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, được thử thách, tôi luyện thường xuyên.
“Mỗi lần làm thuốc phải duy trì trạng thái cân bằng, nếu thấy biểu hiện gì về sức khoẻ, tâm lý thì phải báo cáo ngay để cử người khác thay. Trong viện lúc nào cũng duy trì 2 kíp làm thuốc chăm sóc Người, trong bất cứ tình huống hoàn cảnh nào chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ”, đại tá Bằng nhớ lại.
Sau 10 năm chuẩn bị, đến năm 2004, Viện 69 cũng đã tự pha chế được dung dịch làm thuốc tại Việt Nam, đưa vào sử dụng an toàn tuyệt đối, đạt kết quả tốt nhất. Đây là một kết quả hợp tác giữa ta và chuyên gia Nga và được bạn đánh giá rất cao.
Không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn thi hài Người an toàn, mà những người tiêu binh danh dự cũng là một trong những hình ảnh gắn liền với Lăng Bác.
Đã 34 năm qua, ban ngày cũng như ban đêm, đông qua hè tới, trong mọi hoàn cảnh nắng mưa, cứ lớp anh trước lớp em sau, những chiến sĩ tiêu binh danh dự luôn trang nghiêm đứng gác bên Người. Hình ảnh người chiến sĩ tiêu binh gắn với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như không thể tách rời, in đậm trong tâm khảm mỗi người, hiên ngang giữa Ba Đình lịch sử.
Nhưng để trở thành một người tiêu binh là cả một quá trình khổ luyện với các chiến sĩ ở đây. Ngoài chiều cao cân đối, quân dung đẹp và có sức khoẻ tốt, sau 3 tháng huấn luyện tân binh thì những chiến sĩ được lựa chọn vào đội tiêu binh phải luyện tập 2 tháng liên tục những động tác nghiệp vụ, đội hình đội ngũ. Chỉ riêng động tác đứng nghiêm là khó nhất, để đủ sức đứng 1 tiếng khi trực gác thì mỗi ngày các chiến sĩ phải luyện tập từ 4 đến 6 tiếng động tác này.
Bắt đầu từ ngày 19/5/2001, đội tiêu binh danh dự còn được giao nhiệm vụ mới, hàng ngày vào buổi sáng mùa nóng là 6h, mùa lạnh 6h30 và vào 21h đêm, dù gió mưa, giá rét, 34 chiến sĩ tiêu binh tượng trưng cho 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân uy nghiêm, trang trọng thực hiện nghi lễ Chào cờ.
Hình ảnh lãnh tụ – Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh dân tộc hòa quyện trên nền cờ đỏ tung bay giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Người mong muốn.
“Đã sắp 40 năm tôi được làm việc, phục vụ giấc ngủ cho Bác rồi, nhưng lần nào cũng vậy, trước mỗi buổi viếng chúng tôi phải kiểm tra quân dung của Người. Mỗi lần bỏ mũ ra đứng trên bục kiểm tra, tôi đều thấy bồi hồi xúc động, khó diễn tả vô cùng”, đại tá Lê Công Bằng – Phó Viện trưởng Viện 69, đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, nghiên cứu, giữ gìn thi hài Bác – cho biết.
Sáng 16/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết…
Tối 15-12, tại Nhà hát thành phố, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với…
Thực hiện theo Nghị quyết 18 của Trung ương, TP Hải Phòng đã công bố…
Sáng 14/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Nhà báo thành phố tổ…
TP Hải Phòng vừa có quyết định thu hồi gần 45.000m² thuộc khu đô thị…
Sáng 13/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More