Cách đây khoảng gần 10 năm, có một nhóm chuyên gia của Nhật Bản đã sang tận Cát Bà lẫy mẫu nước về phân tích để đánh giá chất lượng nước và mức độ ô nhiễm. Tại sao họ phải làm như vậy khi Cát Bà của Hải Phòng là một nơi xa xôi tưởng chừng chẳng liên quan gì tới nước Nhật của họ. Đó chỉ có thể là vì ý thức trách nhiệm vì cộng đồng. Bởi thế giới là một ngôi nhà chung, không có ranh giới về môi trường, tất cả các quốc gia và mỗi người dân đều có ý thức, trách nhiệm giữ gìn.
Câu chuyện thứ hai cũng tại Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần. Trong mỗi ngôi nhà ở tạm sau thiên tai của người Nhật, vẫn có những chậu rau trước cửa, trong nhà có thiết bị tiết kiệm điện; rác được phân loại… Điều đó cho thấy, ý thức về môi trường, cả về tạo màu xanh và gìn giữ môi trường, tiết kiệm năng lượng dường như đã ăn sâu bén rễ trong họ, nên dù ở tạm, họ vẫn tuân thủ như là đối với nơi ăn chốn ở dài lâu.
Còn tại Hải Phòng, mô hình xử lý rác thải, nước rỉ rác theo phương pháp Fukuoka (Nhật Bản) tại bãi rác Đình Vũ làm cho chỉ số CO2 tại bãi rác giảm từ 30,4% xuống còn 8%; khí mêtan giảm từ 67% xuống 6%; các chỉ số COD và BOD5 trong nước rác giảm từ 80% xuống 20%, đặc biệt làm giảm thiểu khí thải ra ngoài không gian, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính. Trước đây, với phương pháp xử lý cũ, nơi này bị ô nhiễm nặng nề, “không khí như bị đông đặc lại” bởi hàm lượng mêtan quá cao.
Thêm một câu chuyện nữa về ý thức và sự kiên quyết tạo dựng môi trường sạch, bảo đảm phát triển bền vững của Hải Phòng. Đó là từ cách đây gần 10 năm, khi đó, thành phố rất thiếu và rất cần những dự án FDI hàng trăm triệu USD. Nhưng thành phố cũng đã rất kiên quyết từ chối một dự án trị giá 300 triệu USD tại huyện Thủy Nguyên vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án.
Thành phố cũng sớm ban hành quyết định về danh mục dự án khuyến khích hoặc không khuyến khích đầu tư nhằm hạn chế ngay từ đầu các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của Hải Phòng trong tương lai. Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố cũng kiên quyết gạt ra ngoài danh sách biểu dương khen thưởng đối với các doanh nghiệp tuy có kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc chưa có hành động thiết thực, cụ thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chính doanh nghiệp gây ra.
Đó là những câu chuyện cụ thể nhưng là để nói lên một điều, đã đến lúc, hành động địa phương phải mang tư duy toàn cầu. Nói rộng ra, kinh tế xanh giờ không chỉ là khái niệm nữa, mà là thực tế, là mệnh lệnh hành động đối với mỗi người dân Hải Phòng. Nói cách khác, đó chính là tư duy “phát triển hiện tại không ảnh hưởng, không được triệt đường sống của thế hệ tương lai”. Green city, Ecocity, Smart City (thành phố xanh, thành phố sinh thái, thành phố thông minh) là xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.
Kinh tế Xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Hải Phòng đang hướng tới mục tiêu này và nhiệm vụ đầu tiên trong một loạt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xanh được xác định là “nâng cao nhận thức, hiểu về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh”. Đó cũng chính là tâm huyết, là trách nhiệm, là mong muốn và là mệnh lệnh của lãnh đạo thành phố và mỗi người dân Hải Phòng. Và hãy bắt đầu từ ý thức, dù chỉ là việc nhỏ.
Hồng Thanh