Nếu như năm 2003, kinh tế tập thể thành phố đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 16,1% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) thì từ thời điểm đó đến nay, thành phần kinh tế trên ngày càng sụt giảm. Năm 2018, con số này chỉ còn gần 1.470 tỷ đồng, chiếm 0,7% GRDP. Từ những thống kê trên cho thấy, kinh tế tập thể có thời điểm đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong phát triển kinh tế thành phố.
Đồng chí Cao Đức Phát-Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế TƯ đã khẳng định phát triển kinh tế tập thể gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 15 năm thực hiện việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Hải Phòng cần sớm tìm hướng đi mang tính đột phá cho kinh tế tập thể thành phố.
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế TƯ Cao Đức Phát khảo sát thực tế tại HTX Liên Khê-Thuỷ Nguyên
Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn thành phố có 128 hợp tác xã (HTX) và một liên minh HTX được thành lập với tổng số vốn hoạt động là 198.000 triệu đồng, tăng 79,62% so với năm 2003; doanh thu bình quân là 4.500 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX, liên hiệp HTX là 35 triệu đồng/người/năm, tăng 233 % so với năm 2003. Ngoài thu nhập trên, thành viên HTX, người lao động còn được chia lợi nhuận của HTX, được hưởng giá thấp khi mua sản phẩm của HTX… nên rất phấn khởi, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên.
Có thể thấy, các HTX có vai trò quan trọng, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn trong thời kỳ CNH-HĐH của thành phố. Thành phố có 139 xã và hai huyện đang cán đích xây dựng nông thôn mới không thể không kể đến những đóng góp của HTX dịch vụ nông nghiệp với hơn 30.000 thành viên là các hộ nông dân.
Cùng với các HTX nông nghiệp thì trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện nhiều mô hình mới như vệ sinh môi trường, dịch vụ điện, nước, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tín dụng nội bộ, vận tải đường bộ… đóng góp đáng kể phát triển KTXH nhất là vùng ven đô và khu vực nông thôn. Đơn cử như HTX NTTS Mắt Rồng, Thiên Hương, Thành Vinh, Hưng Đạo, Minh Đức, Hợp Đức, Thành Đạt, Thái Sơn…
Không ít HTX còn loay hoay tìm hướng đi
Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, số HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí là tồn tại trên… giấy cũng còn không ít. Thống kê đến hết năm 2018 có 180 HTX đang ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Theo đánh giá, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 còn chậm. Quy mô hoạt động của nhiều HTX nhỏ, năng lực còn yếu kém, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý còn hạn chế, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa xác định được mục tiêu và định hướng phát triển nên dẫn đến chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các thành viên. Các HTX còn thiếu vốn hoạt động và cũng chưa biết cách huy động vốn của các thành viên.
Nhiều HTX còn hoạt động thì cũng chưa thích nghi được với cơ chế thị trường đang ”nóng” ở khu vực nông thôn, bởi vậy dẫn đến lúng túng, thiếu định hướng. Chưa kể đến, với tâm lý ỷ lại, dựa dẫm lâu nay, cùng với hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, ít mang lại lợi ích nên các thành viên cũng không mấy mặn mà với loại hình kinh tế này.
Còn nữa, về cơ chế, chính sách, ngay cả Luật HTX mới đây là năm 2012 thì cũng còn nhiều vướng mắc. Sau một năm Luật HTX 2012 có hiệu lực thì năm 2013 Nghị định 193 hướng dẫn thi hành mới ra đời. Chưa hết, có những quy định chưa được thực thi thì vừa qua, Chính phủ lại ban hành Nghị định sửa đổi và Bộ Tài chính ra Thông tư hướng dẫn thực hiện. Sự chậm trễ rồi tiếp tục sửa đổi, bổ sung trên đã cho thấy sự loay hoay, lúng túng ngay từ khâu hành lang pháp lý đối với loại hình kinh tế HTX.
Ngay cả khi thực thi thì vẫn có những quy định rất ‘bí” cho các HTX, thậm chí ngặt nghèo hơn cả đối với loại hình doanh nghiệp, do vậy có những HTX muốn được giải thể cũng không thực hiện được. Và những người nông dân vốn giản đơn, lại càng ngại ngần khi phải thực hiện quá nhiều những thủ tục rườm rà, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan.
HTX Liên Khê-Thuỷ Nguyên thu nhập 6-700 triệu đồng/ha trồng na bở
Trong chuyến khảo sát tại một số HTX và phát biểu chỉ đạo tại thành phố Hải Phòng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế TƯ Cao Đức Phát khẳng định: Kinh tế tập thể là nhu cầu tất yếu và gắn kết với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong bối cảnh hiện nay. Những tồn tại, hạn chế của kinh tế tập thể tại Hải Phòng cũng tương đồng với các tỉnh, thành khác, bởi vậy đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo BCH TƯ Đảng để kịp thời có giải pháp, điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Riêng với Hải Phòng, đồng chí nhất trí với nhóm giải pháp mà thành phố đề ra và kỳ vọng kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới, phát huy lợi thế của thành phố phát triển nhanh hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế của thành phố.
Kim Oanh