Và bao giờ cũng thế, Hải Phòng chào đón các sự kiện trọng đại theo cách riêng của mình, không chỉ hô hào chung chung mà bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Bởi vậy, những ngày này, khi đại dịch COVID-19 vừa tạm lắng, cả thành phố bừng lên khí thế mới, quyết tâm mới để vượt qua thách thức, vươn tới những đỉnh cao.
Vững vàng giữa đại dịch
Đại dịch COVID-19 quét qua làm ảnh hưởng nhiều tới các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Suốt 4 tháng qua, cả thành phố vừa tập trung toàn lực cho công tác chống dịch, vừa lo duy trì sự ổn định và phát triển của sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiệm vụ nào cũng nặng nề, khó khăn, nhất là việc ngăn chặn, kiềm chế, kiểm soát dịch COVID-19 chưa hề có tiền lệ, nhưng với bản lĩnh vững vàng, nền tảng khá vững chắc sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, Hải Phòng tiếp tục ghi được nhiều dấu ấn đáng tự hào.
Bằng những biện pháp mạnh mẽ, quyết đoán, kịp thời, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 4 tháng qua, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành phố vẫn diễn ra bình thường. Các nhà máy công nghiệp luôn đỏ lửa; những con tàu lớn, các chuyến hàng vẫn liên tục vào, ra các bến cảng biển Hải Phòng, phục vụ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu cho cả miền Bắc… Nhờ thế, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt 2 con số, lên tới gần 23% trong quý 1 và hơn 16% trong 4 tháng thật sự có nhiều ý nghĩa. Kết quả này, trong điều kiện bình thường đã là sự bứt phá, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều khu vực phải cách ly y tế thì lại càng có ý nghĩa gấp bội phần; cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện sức mạnh, tiềm lực trong sản xuất công nghiệp của Hải Phòng mà còn là kết quả của một loạt các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tạo nền móng trong nhiều năm qua để có thêm nhiều sản phẩm mới, công nghệ cao, vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng, vừa thực hiện tái cơ cấu theo hướng bền vững và hiệu quả cao.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bùi Quang Hải, đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng của công nghiệp Hải Phòng năm 2019 và 4 tháng năm 2020 là các dự án công lớn như: Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, các nhà máy của Tập đoàn LG, Nhựa Tiền Phong, Nhiệt điện Hải Phòng…
Không chỉ công nghiệp, một loạt các ngành kinh tế quan trọng khác của Hải Phòng cũng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Trong đó, sản lượng hàng qua cảng tiếp tục tăng với gần 25 triệu tấn trong quý 1, hơn 2154 lượt tàu lớn ra vào, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2019; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 30.663 tỷ đồng, tăng 2,74%; thu ngân sách nội địa tăng 12,7%… là những con số đáng tự hào. Nông nghiệp Hải Phòng vẫn xứng đáng là một trong những trụ cột lớn của nền kinh tế với sản lượng lương thực, gia súc, gia cầm, rau xanh… tiếp tục tăng cùng hoạt động của các cơ sở chế biến thực phẩm đủ làm “ấm bụng” hơn 2 triệu người dân Hải Phòng, khi mọi con đường giao thương với trong nước và quốc tế đều gặp trở ngại do đại dịch. Tất cả những yếu tố đó giúp kinh tế Hải Phòng giữ được đà tăng trưởng, GRDP tăng gần 15% trong quý 1, khẳng định sự vững vàng của thành phố, tiếp tục là điểm sáng của cả nước.
Cũng do đại dịch nên bức tranh kinh tế thành phố còn một số mảng tối, bị “trầy da tróc vảy” như du lịch, vận tải; một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, nhưng về tổng thể, thành phố vẫn bảo đảm được các cân đối lớn. Có thể nói, nền kinh tế thành phố 4 tháng qua không chỉ ổn định mà còn tăng trưởng, với những kết quả rất rõ ràng, sắc nét, giúp thành phố có thêm tiềm lực để giải quyết và tạo chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh.
Kiên định các mục tiêu phát triển
Tuy có nhiều dự cảm tốt đẹp, nhưng trước mắt, thành phố vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Một số ngành kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải có những biện pháp thật mạnh mẽ mới vực dậy được sau đại dịch, nhất là các ngành du lịch, vận tải, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn vững niềm tin, kiên định tới cùng để thực hiện các mục tiêu đề ra, tiếp tục xốc tới giành những thành quả to lớn hơn, xứng tầm vị thế của Hải Phòng hơn.
Bởi thế, ngay trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, trong không khí vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, Ngày Quốc tế lao động 1-5, 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, cả thành phố tưng bừng với nhiều dự án, công trình lớn được khánh thành, khởi công. Trong đó, có 15 dự án lớn cấp thành phố với tổng nguồn vốn lên tới 4000- 5000 tỷ đồng, tiêu biểu là hệ thống cáp treo Cát Hải-Phù Long tạo ra điểm nhấn mới với nhiều kỷ lục mới cho du lịch Hải Phòng và cả nước; là bãi tắm nhân tạo nằm trong quần thể Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, quận Đồ Sơn; là tuyến đường trục đô thị 52m thênh thang, rộng mở; là nút giao thông Nam cầu Bính quy mô lớn và hiện đại nhất từ trước tới nay cùng một loạt các dự án giao thông mới, các khách sạn 5 sao; các khu dịch vụ mới tạo nên sự kết nối liên hoàn và hiện đại, đồng bộ, mở đường cho sự bứt phá mạnh mẽ của Hải Phòng trong tương lai. Đặc biệt, dự án tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên có ý nghĩa lịch sử trọng đại, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng, nhằm lưu giữ tới muôn đời sau những chiến tích hào hùng của cha ông, khơi gợi lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay, tạo thành sức mạnh tinh thần vô giá trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, đất nước.
Bên cạnh đó, các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang được thúc đẩy khẩn trương. Việc khôi phục lại các ngành kinh tế sau dịch được thành phố chuẩn bị sẵn từng đường đi nước bước, quyết tâm đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2020. Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Cụ thể là cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thu hút ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư lớn đến với Hải Phòng. Điều đáng chú ý là, Hải Phòng không chủ trương phát triển, phục hồi kinh tế bằng mọi giá mà gắn với tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, chuyển hướng sang nền kinh tế công nghệ cao, kinh tế số với những bước đi táo bạo, tạo được sự đồng thuận cao. Việc thu hút nhiều hơn các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ sẽ tạo thế cân bằng cho thành phố, vươn tới mục tiêu đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
Có thể nói, những kết quả phát triển kinh tế, vượt lên mọi thách thức của đại dịch thế kỷ đang khích lệ thành phố Hải Phòng tiếp tục vươn lên với nhiều giải pháp tích cực hơn, thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, nhìn thẳng vào khó khăn, hạn chế để tìm cách khắc phục, để đà phục hồi ngày càng mạnh mẽ, mô hình tăng trưởng ngày càng hợp lý, phù hợp với xu thế thời đại, đưa Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ, xứng tầm đô thị lớn thứ ba của cả nước.
Hồng Thanh – Ảnh: Ngọc Thụy
Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng 6 và dài tổng cộng 384 ngày.…
Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua…
Sáng 12-1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thành phố tổ chức hội nghị tổng…
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Khoảng 23 giờ ngày 11/1, trên tuyến đường trục phường Lê Thiện (quận An Dương)…
Ngày 10/1 tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More