Print Thứ Ba, 16/07/2019 10:20

Như đã nói ở kỳ trước, những năm qua Hải Phòng đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như đúc rút kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trong quá khứ, thành phố đang thể hiện quyết tâm cho mục tiêu bền vững hơn.

Khu du lịch Đồ Sơn (Ảnh Trần Sơn)

Chính vì vậy, Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, cũng như Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hải Phòng.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTr/TW về thực hiện nghị quyết 36, với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.

Có thể nói, trong 6 ngành kinh tế được chọn lọc ưu tiên phát triển đề cập tại Nghị quyết 36, thì ngoại trừ ngành khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển còn ở dạng tiềm năng, còn lại  5 ngành đang được Hải Phòng triển khai tích cực. Cụ thể là: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đối với Hải Phòng, vấn đề đáng quan tâm nhất  vẫn là dịch vụ cảng, được coi như trung tâm phát triển mà các phân ngành khác là cơ sở vệ tinh. Mặc dù có những bứt phá mạnh mẽ, nhưng trong thời gian khai thác hết tầm công suất, do kết cấu hạ tầng cũ nên hệ thống cảng truyền thống của Hải Phòng đã bộc lộ nhiều bất cập.

Việc bố trí các doanh nghiệp cảng biển chưa hợp lý, còn nhỏ lẻ dẫn đến phát sinh cạnh tranh không lành mạnh ở nội tại, và càng mất thế hơn khi bước ra cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, điều này hiện đang trong hướng mở, với việc dịch chuyển dần hệ thống cảng ra phía biển, khai thác hiệu quả về độ sâu, đầu tư tập trung với trang thiết bị hiện đại, vận hành theo mô hình logistics, Hải Phòng sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện hoàn thành.

Một mũi nhọn đột phá khác được thành phố khai thông rõ nét kể từ khi thực hiện Nghị quyết đại hội 15, đó là phát triển hạ tầng du lịch biển. Có thể thấy, trong một giai đoạn khá dài chúng ta mới chỉ dừng ở mức khai thác tiềm năng sẵn có, nhưng bên cạnh những lợi ích ngắn hạn, sức ép khai thác của du lịch đã làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị tự nhiên.

Gần đây, những vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học biển được thành phố quan tâm nhiều hơn. Cũng liên quan đến phát triển dịch vụ biển, Hải Phòng tự hào là địa phương có huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật biển phong phú.

Thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư khá lớn cho huyện đảo, nhằm cụ thể hóa mục tiêu để Bạch Long Vỹ trở thành một tụ điểm du lịch, đồng thời là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ. Mặc dù vậy, những mục tiêu đặt ra cho Bạch Long Vỹ vẫn nằm trong giai đoạn lộ trình, chưa thực sự được đưa vào khai thác.

Với việc xác định rõ tính cơ yếu hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thay cho việc tận dụng khai thác, Hải Phòng đã và đang làm mới bằng việc bổ sung làm giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. Đặc biệt, thành phố đang đẩy mạnh giải quyết dứt điểm những hạn chế về một số dự án phát triển du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú thứ hạng cao, dịch vụ phụ trợ… nhất là hạn chế đặc thù của du lịch biển là khai thác theo tính mùa vụ.

Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Vinfast tại đảo Cát Hải

Vấn đề này cũng được đề cập khá rõ trong Chương trình hành động 72-CTr/TU, theo đó xác định du lịch và dịch vụ biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực thi, thành phố sẽ lựa chọn tư vấn trong nước và nước ngoài có uy tín để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, coi trọng phát triển du lịch biển, đảo.

Xây dựng du lịch biển có quy mô, tầm cỡ quốc gia có vị trí trong khu vực để từ đó hình thành các cơ sở và dịch vụ cho các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển, cũng như tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch biển, đảo.

Trên lĩnh vực kinh tế thủy sản, nguồn lợi của Hải Phòng đang tiềm ẩn nhiều nỗi lo, trong việc bảo tồn, tái tạo, phát triển. Trong khi công tác quy hoạch liên quan đến lĩnh vực này hiện chưa thực sự rõ nét, thì quá trình khai thác cũng bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn trên lĩnh vực đánh bắt tự nhiên, đội tàu hoạt động trên vùng vịnh Bắc Bộ tăng bình quân 10%/năm, riêng Hải Phòng hiện có khoảng gần 12.000 chiếc.

Dù Hải Phòng phát triển khá nhanh về số lượng, nhưng chủ yếu vẫn là loại tàu công suất nhỏ, chỉ phù hợp đánh bắt ven bờ. Mặt khác phương thức và công cụ đánh bắt đã xâm phạm nghiêm trọng đến khả năng tái sinh. Sản lượng lớn, khai thác tận thu, nhưng công nghiệp chế biến lại có chiều hướng đi xuống, chất lượng bị giảm do áp dụng các phương pháp giản đơn dẫn đến giá trị kinh tế giảm. Rõ ràng những điều này cần phải được khắc phục, để Hải Phòng thực sự trở thành một trung tâm giống, thức ăc, chế biến, xuất khẩu của vùng duyên hải Bắc Bộ.

Điều quan trọng nữa là, phát triển kinh tế biển của Hải Phòng ảnh hưởng rất nhiều từ sự tác động của việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong những năm vừa qua, có thể khẳng định tốc độ phát triển hạ tầng giao thông Hải Phòng đứng đầu cả nước.  Hải Phòng đã khẳng định là đầu mối giao thông đa dạng hình hiện đại bậc nhất, kết nối từ tuyến địa đầu Móng Cái tới tận các tỉnh phía Nam, đồng thời ngược lên hành lang kinh tế phía Bắc tới tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Vấn đề đặt ra là Hải Phòng sẽ khai thác hạ tầng này như thế nào, nếu hiệu quả thì không phải bàn cãi, nhưng ngược lại sẽ bộc lộ bất cập

Lê Minh Thắng (còn nữa)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kinh tế biển – trụ cột phát triển Hải Phòng  (Kỳ 3): Rà soát để hướng tới đột phá
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác